Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

THỰC TRẠNG NÔNG THÔN VIỆT NAM

  Lang thang trên mạng kiếm được bài này .
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt cảm thán: "Tôi thấy làng quê của chúng ta cứ trôi dần, trôi dần và càng ngày càng tuột ra khỏi ký ức của cá nhân tôi về một làng quê Việt Nam. Không còn cái ương bướng chân thật của anh thanh niên nông thôn nữa mà chỉ có cái kệch cỡm, cái hống hách, chợ búa của anh thanh niên đô thị chưa được rèn luyện, đấy là cái rất đau. Cần phải kêu cứu thật sự, phải kêu cứu về sự ra đi của nông thôn Việt Nam. Nó giống như “bóng ai qua thềm”, nó cứ trôi đi. Cuối cùng chúng ta ngẩng lên thấy những cô gái chân chất trở thành những cô mặc quần bò"

Hãy giữ tổ chim vì tương lai của giọng hót
@ Ông có nhiều trải nghiệm về nông thôn, ông nhìn thấy tiềm năng gì ở nông thôn và kỳ vọng cũng như những trăn trở gì?
Nguyễn Trần Bạt: Nông thôn vĩnh viễn là cái nôi để duy trì bản chất của nền văn hóa Việt Nam và bản sắc của dân tộc chúng ta. Không có nông thôn thì chúng ta sẽ chỉ có một cái chợ được gọi là Việt Nam và chúng ta giữ gìn và xây dựng bản sắc của cái chợ Việt Nam chứ không phải xây dựng dân tộc Việt Nam.
Tôi không biết các nhà lãnh đạo nghĩ thế nào, nhưng tôi nghĩ nông thôn là vấn đề chính trị quan trọng nhất. Nếu chúng ta không xây dựng tốt nông thôn, không xử lý tốt quan hệ giữa nông thôn và đô thị, chúng ta không xử lý vấn đề nông nghiệp và nông dân một cách cẩn thận thì chúng ta sẽ nhổ rễ dân tộc chúng ta ra khỏi nền văn hóa của nó, biến dân tộc mình thành một cái chợ và bán tất. Trong đó việc bán đầu tiên là bán con người.
Đây không phải là chê trách chính quyền, mà là phải xử lý một cách có cơ sở khoa học về câu chuyện nông thôn. Không phải giải quyết bằng chuyện chúng ta tôn trọng nông dân theo kiểu “thưa cụ”, rồi đội khăn xếp, có quốc hoa, quốc phục… tất cả những thứ đó không có nhiều giá trị trong thực tế đời sống. Điều cần thiết là làm thế nào để những sản phẩm của nông nghiệp có giá trị cao.
Một thợ rèn nông thôn ở Anh có thể làm ra một lượng tiền khoảng 50.000 pound/ tháng, bằng độ 5-10 lần một chuyên gia tài chính có bằng cấp ở London. Họ làm những đồ handmade (làm thủ công) rất có giá bởi đó là những thứ mà công nghiệp không tạo ra được. Chúng ta không hướng nông dân vào làm những thứ như vậy. Cũng có một vài hội làng nghề được phụ trách bởi những ông già, cũng cãi nhau, cũng ly tán. Chúng ta không có chính sách nông thôn dựa trên những hiểu biết về vai trò như cội nguồn văn hóa của nó, không có chính sách giải phóng người nông dân ra khỏi lao động nông nghiệp đơn giản. Chúng ta công nghiệp hóa nông thôn chứ không hiện đại hóa nó. Chúng ta đưa công nghiệp vào sát mũi nông thôn, chúng ta nhử các khu công nghiệp vào ngay đầu làng thì làm thế nào mà duy trì được nông thôn.
Chúng ta xử lý mâu thuẫn giữa sự hiện đại hóa xã hội với sự lạc hậu vốn có của nông thôn Việt Nam mà không có nghiên cứu lý thuyết nào để giải quyết chuyện ấy. Các bạn đến nước Đức sẽ thấy thanh niên nông thôn rất tự tin bởi họ có bản sắc và có giá trị. Giá trị ấy bán được, giá trị ấy nằm trong cái xúc xích họ chế, nằm trong củ cải họ muối, nằm trong chai rượu họ làm. Chúng ta không có cái đấy. Thanh niên của chúng ta lấy ra phố là khuynh hướng cơ bản. Ra phố nhưng không đến được đô thị.
Bạn vừa nói nông thôn hoang vắng. Nông thôn làm gì còn thanh niên mà không hoang vắng. Người ta đã cửu vạn hóa thanh niên nông thôn. Nông thôn là chỗ ngủ cuối tuần chứ không phải chỗ nghỉ. Người lao động cửu vạn không có chỗ nghỉ mà chỉ có chỗ ngủ cuối tuần. Nhếch nhác quay trở về làng sau một tuần, sau một tháng, sau một thời kỳ lao động cực kỳ mệt nhọc, giở tất cả các ngón nghề rất khác với bản chất của người nông dân. Người quay trở lại nông thôn sau một chu kỳ lao động ở phố không còn nguyên là một anh nông dân chân chất lúc ra đi nữa mà đã bắt đầu nhuốm những màu chợ búa. Các bạn cứ tưởng tượng thế thì làm sao chúng ta có nông dân, có nông thôn, làm sao mà không xót xa. Tôi thấy xót xa cho một dân tộc không biết tạo ra không gian để chứa đựng cội nguồn và duy trì sự sản sinh tiếp theo của nền văn hóa dân tộc. 
@ Theo ông sức sống ở các làng quê hiện nay là thấp, trung bình hay cao?
Nguyễn Trần Bạt: Sức sống và cảm hứng sống đang tan rã dần dần. Người ta mất đi cảm hứng, mất đi cái thú về quê, mất đi cái ngưỡng mộ quê hương, mất đi tiếng ru, mất đi cánh cò. Tôi cũng không thích lắm câu chuyện quy tất cả cái đẹp của nông thôn vào cánh cò, tiếng ru, nhưng nói chung là chúng ta mất hết cả những cái đó. Mất lũy tre, mất cánh đồng, mất con cò, mất tiếng ru, mất cả tiếng dế. Bây giờ Tô Hoài có bỗng nhiên trẻ lại cũng chẳng cách gì có thể viết lại “Dế mèn phiêu lưu ký”.
Tuy nhiên phải thông cảm với chính quyền là vấn đề nông thôn Việt Nam không phải bây giờ mới có, nó có từ lâu lắm rồi, vì thế mới sinh ra Ngô Tất Tố vĩ đại. “Việc làng” có từ lâu rồi. Nhiệm vụ của xã hội học hiện đại là nghiên cứu xem cấu trúc nào tạo ra một nền văn hóa luôn luôn lùi bước như vậy trước thực tiễn phát triển, làm cho nông thôn Việt Nam không dấn lên được, không rực rỡ lên được, không tự hào lên được và không tự tin lên được. Hiện nay nhiều phong trào trong xã hội cứ đổ lỗi cho chính quyền, tôi nghĩ chính quyền cũng có một phần lỗi, nhưng không phải tất cả. Trong cấu trúc dân cư của chúng ta, trong cấu trúc văn hóa của chúng ta, trong cấu trúc tư tưởng truyền thống của chúng ta có vấn đề nào đó, nhiệm vụ của khoa học xã hội là phát hiện ra chuyện đấy.
Bây giờ không ai phát hiện những chuyện như vậy mà chỉ có chuyên gia kể xấu nông thôn, nông dân và con người Việt Nam. Tôi không thích phong cách như vậy. Phải xót thương, phải nuối tiếc những giá trị. Sở dĩ chúng ta nên người bởi cha mẹ chúng ta luôn luôn cưu mang chúng ta, luôn luôn thương xót chúng ta nếu chúng ta sai.
Chính kỳ vọng của cha mẹ tạo ra giá trị của chúng ta, vậy chúng ta có kỳ vọng vào nông thôn Việt Nam không, kỳ vọng vào giá trị kinh tế được tạo ra từ nông thôn không, hay chúng ta cũng chỉ chiếu cố trong những lúc khủng hoảng, những lúc khó khăn thì nông thôn giữ địa vị này, địa vị kia. Tất cả những sự châm chước một cách xách mé như vậy đối với nông thôn là không được. Nông thôn có những nghĩa vụ khác, có giá trị khác, chứ không phải lúc nghèo đói, lúc khủng hoảng nó vẫn là cứu cánh, đấy là cách nói của con buôn.
@ Ông bình luận thế nào về chính sách nông thôn mới hiện nay?
Nguyễn Trần Bạt: Nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ là cung cấp sự hiểu biết để nông thôn thực thi các quyền lựa chọn các giá trị văn hóa của mình, chứ không phải là lựa chọn hộ, và cũng không phải để cho họ tự do lựa chọn trong sự thiếu hiểu biết của họ.  
Chúng ta bảo chúng ta yêu tiếng chim hót véo von, nhưng chúng ta sẵn sàng ăn trứng chim và phá tổ chim. Văn hóa của chúng ta là tiếng hót của con chim, mà nông thôn là cái tổ. Hãy để ý đến nông thôn, hãy cứu lấy nền văn hóa của chúng ta. Hãy cứu lấy cái tổ chim để duy trì tương lai của giọng hót.
Phải làm cho nông thôn đẹp để nông thôn tự tin, để nông thôn biết giữ lại những thứ nó có. Không phải giữ tất cả, mà giữ một vài thứ. Bản chất của sự phát triển văn hóa là phát triển năng lực chọn lọc. Chúng ta chưa thật lòng đối với nông dân, chưa thật lòng đối với nông thôn. Chúng ta thực ra chưa biết yêu con người Việt Nam, chúng ta chỉ yêu những phương tiện sang trọng hơn người, chúng ta không biết yêu con người nên con người càng ngày càng ngố.
@ Xin cảm ơn ông!
DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG ( thực hiện)
Nguồn : Nông nghiệp VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét