Nơi thì quần áo tồn kho.. |
Khỏi phải nói các bác doanh nhân mừng rỡ
như thế nào với thông tin này và nếu quan tâm, chẳng cần phải mất thời
gian lắm, quý độc giả cũng có thể tìm cho ra một vài ví dụ nho nhỏ cho
những khó khăn của doanh nghiệp suốt thời gian qua.
Dĩ nhiên, bạn không nên vội vàng mà đổ
cái tội này cho cơ chế, cho chính sách, gì chứ riêng khó khăn thì kinh
tế thế giới cũng chả kém gì Việt Nam.
Trong bối cảnh ấy, thì tin về gói giải
cứu 25.000 tỷ có khác nào cơn mưa rào giữa đợt nắng nóng khủng khiếp 50
năm có một lần như hiện nay.
Chỉ hiềm một nỗi, người ta không thể không tự hỏi rằng rốt cuộc thì các cơ quan quản lý muốn gì với các doanh nghiệp?
Cách đây mấy hôm, tờ Thanh Niên cho hay
nhiều doanh nghiệp đang chật vật xin được phá sản, nói cách khác là xin
được “chết”. Nhưng cũng chẳng dễ dàng gì, muốn chết thì ít nhất cũng
phải lót tay chút xíu cho cò thì mới được chết chứ (cũng phải mở ngoặc
rằng đây có lẽ là một trong những loại cò độc đáo nhất quả đất).
Hóa ra, cái kết quả Khảo sát về chỉ số
Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam vừa được công
bố hôm nay vẫn có phần thiếu sót, đâu phải chỉ có đi xin việc, đi khám
chữa bệnh, đi học đi hành, túm lại là đi xin xỏ một cái gì đấy, mới phải
để “đồng tiền đi trước”. Nay thì “chết” cũng chưa phải là hết, cũng
phải có đồng quà tấm bánh mới được thỏa lòng mồ yên mả đẹp.
Nhưng cứ tạm coi đây là một thiện ý, hãy
thử xem Bộ Tài chính “bắt mạch kê đơn” như nào cho bệnh nhân. Theo báo
Tuổi Trẻ, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm
2012, gia hạn thuế VAT đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp
sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản, da giày, dệt
may...; giảm 50% tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh
vực du lịch, dịch vụ, thương mại…
Tạm không tính đến cái khoản chênh lệch
30% và 50% rõ như ban ngày kia, thì ai thờ ơ nhất cũng phải chú ý đến
các loại doanh nghiệp dự kiến sẽ được giảm tiền thuê đất. Cái hay thứ
nhất là đề xuất này được đưa ra giữa thời buổi bất động sản đang tạm
thời hãm đà tăng giá, cái hay thứ nhì là danh sách được hưởng ưu đãi này
chẳng hề thấy bóng dáng các cơ sở sản xuất sản phẩm hàng hóa đâu. Không
hiểu các nhà làm chính sách thực sự muốn cứu ai trong số những kẻ đang
hấp hối ấy nhỉ?
Chưa kể, nói gì thì nói, bấy lâu nay,
cái đám du lịch, dịch vụ, thương mại này vốn có nhiều thành tích xin
thật nhiều đất rồi ủ mưu chuyển đổi mục đích sử dụng. Chịu khó nhịn qua
cái thời khốn khó tạm thời của thị trường bất động sản, tương lai sẽ lại
rộng mở thôi!
Người ta sẽ còn lạc quan hơn nữa khi
biết có tới 80% người dân không biết về quy hoạch sử dụng đất, thông tin
được các báo đồng loạt cho biết hôm nay, vẫn theo cái khảo sát đã nói ở
trên. Chà chà, ai mà cũng nắm tường tận thông tin quy hoạch, thì các
doanh nghiệp làm sao mà xoay xở cho nổi trong thời buổi làm ăn khốn khó,
còn kẻ nào chẳng may bị mù quy hoạch thì xin mời cứ âm thầm mà chịu
thiệt thòi.
Cũng liên quan đến cái sự sống chết của
các doanh nghiệp, nhân thiện ý của Bộ Tài chính, xin ôn lại chuyện cũ
của năm 2011. Số là sau một năm cả nước rầm rộ thắt lưng buộc bụng, tiết
kiệm chi tiêu, từ đầu 2012 tới nay, có 3 con số được các cơ quan chức
năng lần lượt công bố.
Không hiểu rốt cuộc ai là kẻ phải “buộc
bụng” nhịn ăn, nhưng cho tới cuối năm, có tới gần 50.000 doanh nghiệp
làm ăn thua lỗ, trong khi hình như chưa thấy doanh nghiệp Nhà nước nào
xung phong báo lỗ, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn báo cáo thành tích
“năm sau cao hơn năm trước”.
Chỗ thì quần áo không có mà mặc, lại còn bị cảnh cáo nữa! |
Một con số ấn tượng khác, tổng thu ngân
sách năm vẫn đạt 674,5 nghìn tỉ đồng, tăng gần 14% so với dự toán và
tăng 20,6% so với năm 2010. Một con số đủ nói lên sự tận tụy của các cán
bộ thuế, trái hẳn với sự thờ ơ của chính họ khi các doanh nghiệp lay
lắt đến xin được phá sản.
Thu đã đành là hoành tráng, chi cũng
không chịu kém cỏi hơn là mấy, bởi theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính -
Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, tổng chi ngân sách Nhà nước năm
2011 vẫn có xu hướng tăng lớn (hơn 100 nghìn tỷ), vượt tới 13,8% so với
dự toán, trong đó, khoảng 23% số tăng chi ngân sách Nhà nước là tăng cho
đầu tư phát triển!
Không kể tới cái sự trái khoáy trong
việc tăng chi ngân sách bất chấp chủ trương cắt giảm đầu tư, người ta
còn phải trầm trồ thán phục sự tài tình của ngành Tài chính, doanh
nghiệp đang làm ăn bết bát như vậy mà vẫn tăng thu được cả trăm nghìn
tỷ.
Ngẫm đi ngẫm lại, chỉ có một giả thiết
duy nhất khả dĩ giải thích được những con số oái oăm này: Rất nhiều
doanh nghiệp quả thật phải lép bụng trong việc tiếp cận vốn đầu tư, mà
trong số đó có 50.000 doanh nghiệp báo lỗ; nhưng cũng không ít doanh
nghiệp được thảnh thơi hơn nhiều trong việc làm ăn, nếu không thì chẳng
lẽ cả trăm nghìn tỷ tiền thuế thu thêm kia là từ trên trời rơi xuống?,
và 23% số tăng chi ngân sách cho đầu tư phát triển bốc hơi đi đâu?
Với kiểu cắt giảm “hình bất thượng đại
phu” như trên, liệu có thể suy luận một cách rụt rè rằng gói giải cứu
25.000 tỷ cũng sẽ được ban ra không đều khắp theo lẽ “lễ bất hạ thứ dân”
chăng?
Chưa hết, hãy thử nhìn xa hơn vào quá
khứ để xem các doanh nghiệp đã trải qua những “cảm giác mạnh” như thế
nào thời gian qua. Năm 2008, lạm phát lên tới 22%, các bộ ngành thắt
chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư công.
Năm 2009, lạm phát giảm nhiệt nhưng cũng
kéo nền kinh tế rơi vào trì trệ, gói kích cầu 8 tỷ USD được tung ra.
Năm 2010, nền kinh tế phục hồi nhưng lạm phát lên trên một con số, báo
hiệu những sóng gió của năm 2011 với chỉ số giá tiêu dùng lên tới trên
18%.
Lần này, theo đúng sách vở, những giải
pháp thắt chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư công lại được áp dụng, để đến
hôm nay, lạm phát có giảm nhưng các bộ ngành lại loay hoay “giải cứu”
doanh nghiệp, cũng là giải cứu cho nền kinh tế.
Người ta đã chỉ tận tay, day tận trán
nguyên nhân của mọi nguyên nhân, ấy là việc đầu tư kém hiệu quả, với
giải pháp hiển nhiên là phải đầu tư ít đi, nâng hiệu quả lên. Hiềm một
nỗi, nhiệm vụ giảm đầu tư nếu không “bất khả thi” thì cũng quá ư chật
vật, ít nhất là trong năm 2011 như tiết lộ của ông Phùng Quốc Hiển, nói
gì đến việc vừa giảm đầu tư vừa nâng hiệu quả?
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, không
phải là quá bi quan, nhưng nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng đưa ra
nhận định rằng tái cơ cấu đầu tư công có thể sẽ chỉ là trên... giấy.
Đọc đến đây, nếu cảm thấy quá căng thẳng, bạn có thể ghé mắt một chút sang nước láng giềng Trung Quốc.
Chính quyền thủ đô nước này vừa đưa ra
cảnh cáo với các người mẫu ăn mặc hở hang tại triển lãm ô tô Bắc Kinh,
ban tổ chức cũng phải nghiêm túc kiểm điểm vì đã biến sự kiện thành một
cuộc trưng bày ngực bên các mẫu xe sang.
Dù chẳng muốn ca ngợi xứ Tàu tẹo nào,
nhưng cũng cứ phải thừa nhận rằng các cơ quan hữu trách xứ người phản
ứng thật mau lẹ, sự kiện chưa kết thúc mà quyết định đã ban rồi.
Nhìn lại xứ mình, không khỏi ngậm ngùi
khi các bác ấy cân nhắc tới cân nhắc lui cũng ra được cái quy định về độ
dài váy áo, về độ hở, độ trưng bày da thịt, nhưng đám nghệ sĩ xem ra
cũng chả quan tâm là mấy, còn cơ quan chức năng mỗi lần có cơ sự gì lại
phải “ngâm cứu” đến nát cả óc mới chốt nổi túm lại “hở” đến thế là gợi
cảm hay phản cảm, có vi phạm thuần phong mỹ tục hay không?
Liên tưởng thêm chút nữa thì lại không
thể không nghĩ tới cái chuyện đang nói dở ở trên, rằng chết đứ đừ từ đời
nào rồi mới cuống lên tìm thuốc cứu, “tốc độ” đến thế thì chắc Hoa Đà,
Biển Thước xứ Tàu có sống lại cũng phải chào thua.
Ờ, mà ở xứ mình sao cái gì cũng lạ thế
nhỉ. Ngẫm đi ngẫm lại, có lẽ tại người mình dù học đông học tây học kim
học cổ nhưng vẫn là người mình thôi. Mà người mình thì như thế nào?
Hôm nay, các báo đưa tin đoàn làm phim
Thạch Sanh 3D theo kiểu Mỹ đang toát mồ hôi hột tìm các diễn viên, mà lý
do rất lãng xẹt: Tìm người đóng Lý Thông gian hùng dễ như húp cháo, mà
kiểm cho được một chàng Thạch Sanh thì khó tựa lên trời.
Phải khá khen cho nhà báo nào đã giật
cái tít “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”, chỉ có điều cũng phải
chú thêm rằng đấy không chỉ là chuyện đi tìm diễn viên.
- Tam Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét