"Lần đầu tiên đèo vợ con đi bán hàng,
tôi đã chảy nước mắt. Làm thằng đàn ông không lo nổi cho vợ con thật là
đau đớn lắm" - độc giả Trần Bảo Nam (Mỹ Đình - Hà Nội) chia sẻ.
Trước,
tôi là giám đốc sàn bất động sản Đ.D. Chúng tôi có nhiều dự án trong
Nam ngoài Bắc, ngoài ra còn có hoạt động khai khoáng cũng mang lại hiệu
quả kinh tế cao.
Vợ
tôi có bầu, tôi cho nghỉ luôn ở nhà. Hàng tháng tôi cấp lương đều đặn
cho vợ, đủ để cô ấy thoải mái chi tiêu. Nhưng 2 năm nay, thị trường bất
động sản đóng băng, việc khai khoáng vướng mắc nhiều thủ tục, các dự án
triển khai dở dang bị thiếu vốn, chúng tôi quay quở mãi cũng chưa tìm
được lối ra.
Công ty tôi nợ cũ chồng nợ mới, các dự án bế tắc, anh em tôi bảo nhau tạm nghỉ chờ qua cơn khủng hoảng này.
Tôi
không có thu nhập. Những khoản vợ tôi dành dụm được từ lúc cưới nhau đã
bị tôi “mượn” để lo việc công ty giờ không thể hồi đáp. Thuê nhà, con
nhỏ, nợ lãi, cả gia đình tôi chật vật.
Thất nghiệp, tôi ở nhà trông con, có người mua hàng thì kiêm nhân viên giao hàng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đùng
cái con nhỏ nhà tôi phải đi cấp cứu. Hôm đưa con vào viện Nhi, trong
túi hai vợ chồng tôi còn đúng 100.000 đồng. Tôi phải gọi điện thoại xin
sự trợ giúp của anh em. Vợ tôi nước mắt lưng tròng, bảo: “Nếu hôm nay
không có tiền cho con nhập viện, em hận anh cả đời”.
Vợ
tôi vốn là người dễ dãi, đơn giản, vô tư. Tôi tự biết cô ấy nói chẳng
mấy khi cân đo trước sau, nhưng câu ấy của vợ, tôi vẫn nhớ đời.
Có
lần thằng bạn thân qua nhà chơi, tôi với hắn ngồi nói với nhau về các
dự án đang dang dở, về cái mỏ than chờ ngày chính sách mở cửa là thu
tiền, vợ tôi gọn lỏn: “Thôi xin các bố đừng có chém gió”. Câu chuyện của
chúng tôi đứt đoạn luôn.
Rồi
vợ tôi quyết định phải làm gì đó để có tiền sống. Trước kia cô ấy từng
bán hàng online nên cô ấy quyết tiếp tục bán lại. Chúng tôi bán cái xe ô
tô cũ của tôi lấy vốn làm ăn.
Tôi
thành con buôn chạy Quảng Châu lấy quần áo em bé về cho vợ bán. Mỗi
chuyến đi ngoài tiền hàng, vợ tôi chi cho chồng khoảng 5 triệu/3 ngày
(tiền giấy tờ thủ tục đã hết 2/3). Tôi hầu như không ngủ, ăn uống rất
đơn giản, sang đến nơi lấy hàng xong, thuê chuyển, là tôi quay về, cố
gắng tiết kiệm từng đồng.
Mỗi
ngày vợ tôi phát cho số tiền đủ để mua 1 bao thuốc, uống vài cốc trà đá
và đổ nửa bình xăng xe máy. Khi vợ tôi bán hàng, tôi trông con. Đến bữa
nếu vợ bận, tôi nấu cơm kiêm luôn nhân viên giao hàng. Có hôm được một
chị “bo” cho 10.000 đồng, tôi đã cười suốt đường về.
Vợ
tôi mượn nhờ những anh em có nhà mặt đường để đổ đống ra bán thêm buổi
tối. Không gửi được con, chúng tôi phải mang cả nó ra đường.
Lần
đầu tiên đèo vợ con đi bán hàng, tôi đã chảy nước mắt. Làm thằng đàn
ông không lo nổi cho vợ con thật là đau đớn lắm. Cái cảm giác đẩy cả nhà
ra đường nó thấm thía thật, tôi không biết miêu tả bằng từ nào.
Con
tôi mới tròn tuổi. Mấy hôm nay vợ tôi ngày nào cũng đe: Nghỉ lễ xong là
cho đi trẻ. Tôi nhìn con ngủ mà cay cay sống mũi. Ngày xưa bằng tuổi
con, mỗi lần tôi thèm ti mẹ là bà già chạy băng băng qua mấy mặt ruộng
về cho bú…
Tôi
cũng chẳng biết mình sẽ thất nghiệp bao lâu. Cái nghề của bọn tôi phụ
thuộc nhiều vào các cơ chế chính sách. Vợ tôi thực lòng cũng xót chồng,
thương con; nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng làm cô ấy trở nên cục
cằn, khó tính hơn.
Tôi thực sự thấy hận cái thằng đàn ông vô tích sự như mình.
…. Ngày xưa bố lội bùn theo ông nội mò cua, bắt cá
Giờ đến lượt con… nắng đỏ lưng theo mẹ bán hàng…
Nguồn : nguoiduatin.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét