Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Chuyển đổi kinh tế nông nghiệp chỉ thành công khi đạt được 2 mục tiêu chính: tăng giá trị đầu ra và giảm chi phí đầu vào.
Sau thời kinh tế bao cấp sai lầm, thành tựu lớn mà ngành nông nghiệp làm được cho đến hiện tại là đóng vai trò cơ bản trong công cuộc giảm nghèo và đảm bảo ổn định xã hội; tạo phần lớn việc làm và giữ ổn định an ninh lương thực.

Nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là hoảng cách giữa thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp ngày càng lớn và bất bình đẳng thu nhập tại khu vực nông thôn ngày càng tăng. Hầu hết hàng nông sản của Việt Nam được bán ở dạng nguyên liệu thô với giá thấp hơn các nước khác do còn thua kém về chất lượng và một số nguyên nhân khác. Yếu tố an toàn thực phẩm trong nước cũng đang trở thành vấn đề đáng quan ngại. Nói thẳng là, tăng trưởng sản lượng nông nghiệp đạt được nhờ sử dụng ngày càng nhiều đầu vào với chi phí tiêu tực lớn hơn về môi trường. Tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào mở rộng sản xuất hoặc tăng cường sử dụng đất và các tài nguyên khác, cũng như lạm dụng nhiều phân bón và các hóa chất nông nghiệp trong canh tác. Do đó tăng trưởng nông nghiệp cũng đi kèm tác động xấu về môi trường như phá rừng, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, suy thoái đất và ô nhiễm nguồn nước…như truyền thông đã nhiều lần đưa tin. Nói cách khác, tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam dựa khá nhiều vào sức lao động, tài nguyên thiên nhiên và hóa chất trong sản xuất. Và điều này đi ngược lại xu hướng nông nghiệp văn minh hiện đại, khiến cho nông sản Việt Nam không có tính cạnh tranh với những nước khác trong khu vực, do vậy nếu không thay đổi tận gốc sẽ không tận dụng được các cơ hội thị trường dù Việt Nam là quốc gia ký kết các FTAs nhiều nhất khu vực.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Ngành nông nghiệp đang bị cạnh tranh về nhân công, tài nguyên đất và nước bởi quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ…nưả vời do chiến lược phát triển cơ cấu kinh tế vĩ mô thiếu hiệu quả, manh mún. Nói nửa vời là bởi thực tế cho thấy Việt Nam từng “đi tắt đón đầu” quá nhanh từ giai đoạn nông nghiệp lên công nghiệp, và dù chưa đạt được mục tiêu (hay công nghiệp hoá thất bại), thì có vẻ như Việt Nam lại đang nhanh chóng chuyển dịch từ giai đoạn công nghiệp sang dịch vụ - vấn đề là dịch vụ cấp thấp như giao hàng, xe ôm công nghệ, bán lẻ…Qua các chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, chi phí lao động tăng làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh vốn dựa trên lợi thế về chi phí sản xuất thấp của nông sản thô. Sử dụng quá mức vật tư đầu vào và tài nguyên thiên nhiên đang trở thành vấn đề nóng bỏng. Một số vấn đề môi trường đang cản trở tăng năng suất lao động và vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việt Nam đang đứng trước các cơ hội hứa hẹn cả trên thị trường trong nước và quốc tế, nhưng muốn thành công thì các hộ nông dân và doanh nghiệp phải có khả năng tạo ra các sản phẩm (gồm thực phẩm và các sản phẩm khác) có độ tin cậy, chất lượng, an toàn và bền vững.
Thách thức thực thi đổi mới kinh tế nông nghiệp là trong tương lai ngành nông nghiệp phải đảm bảo “tăng giá trị đầu ra, giảm chi phí đầu vào”. Tức là, phải tạo ra nhiều giá trị kinh tế hơn mang lại hiệu quả cao hơn cho nông dân và người tiêu dùng đồng thời sử dụng ít hơn tài nguyên, nhân công và hóa chất độc hại. Tăng trưởng sẽ dựa chủ yếu trên hiệu quả, đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa và tạo thêm giá trị mới. Mà để làm được vậy, phải đổi mới được chính sách đất đai, luật đất đai. Đó là mấu chốt quan trọng nhất. Sau đó là quá trình đầu tư cải tạo lại đất đai, tái sinh lại đất đai, nguồn nước và không khí. Nói chung là tái tạo lại môi trường sinh thái nông nghiệp, môi trường sông đúng nghĩa. Các chính sách hỗ trợ thị trường, trợ giá, chi phí của nhà nước và chính sách tài trợ vốn ưu tiên cho ngành nông nghiệp là điều cần thiết. Không có quốc gia nào dù là giàu có mà không có chính sách bảo trợ đặc biệt cho nông nghiệp nội địa cả.
Như vậy, thay đổi được cách thức sử dụng đất nông nghiệp, cách thức tổ chức sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ thay đổi đáng kể gía trị đầu ra cho nông sản. Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt không thể như vẫn hô hào, mà chỉ thành công khi các yếu tố nền tảng được đổi mới thành công. Chất lượng sản phẩm là xương sống của thương hiệu; chất lượng cảm nhận toàn diện thì không chỉ là sự ổn định phẩm chất sản phẩm, mà còn là sự đồng đều về hình thức sản phẩm sau thu hoạch, cũng như sự chuyên nghiệp, chuẩn mực cao trong phương thức tiếp thị thương hiệu nông sản ra thị trường thế giới cần phải nghiêm túc đầu tư. Các doanh nghiệp, thương hiệu thực hành tốt nông nghiệp sạch, có trách nhiệm xã hội và thực thi tốt thương mại công bằng (fair trade) cần được tôn vinh, khích lệ và hỗ trợ thúc đẩy mục tiêu xuất khẩu (xuất khẩu đạt và vượt chuẩn thế giới là tiêu chí cốt yếu để được hỗ trợ chính sách)
Miệng ăn núi lở!
Gần đây, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị nhập khẩu vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản tháng 11/2018 đạt 2,8 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 11 tháng của toàn ngành lên 28,8 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017. Với việc thức ăn chăn nuôi và sản phẩm thịt trứng sữa có tổng giá trị nhập khẩu lên tới 5,44 tỷ USD đã đẩy chăn nuôi trở thành lĩnh vực nhập siêu "khủng nhất" trong toàn ngành nông nghiệp. Trong 11 tháng qua, những mặt hàng nông sản có giá trị nhập khẩu tăng mạnh nhất là: mặt hàng rau tăng 45,4% (kim ngạch 458 triệu USD); mặt hàng ngô tăng 40,5%; mặt hàng muối tăng 36,5% (kim ngạch 22 triệu USD); mặt hàng bông tăng 28,6% (kim ngạch 2,8 tỷ USD).
Như vậy, có cách nào góp phần làm nghèo đất nước nhanh hơn là nhập khẩu nông sản? Nhập khẩu thực phẩm khác với công nghệ…vì thực phẩm nó không có khả năng tái tạo tài sản, nó không xứng đáng để gia tăng thâm hụt vãng lai.
Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp nhưng lại không có một nền nông nghiệp phát triển, là điều nghịch lý vô cùng!
FB : anh pham

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét