Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

ĐỂ BỚT ĐI NHỮNG CÂU CHUYỆN BUỒN

Tg : Nghi hoàng Trinh
Đã tận mắt thấy nhiều cái chết trẻ thương tâm như: nhảy lầu; thắt cổ; uống thuốc; nhảy sông… Những đứa trẻ đang bình thường bỗng nhiên tự kỷ, trầm cảm. Những người trẻ ấy chết có một phần rất lớn bắt nguồn từ quan tâm giáo dục của gia đình ngay từ nhỏ.
Theo tôi thì có nhiều nguyên nhân nhưng có thể kể ra một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Một là: Quan tâm quá mức, điều này dễ dẫn đến thái độ can thiệp giám sát quá sâu, quá chặt vào tự do của con cái, làm cho con luôn thấy khó chịu thiếu tự tin và thiếu chủ động.
- Thứ hai là: Cha mẹ đem tham vọng và ước mơ của bản thân mình mà áp đặt hoặc nhồi nhét, đẩy đổ lên con mình không cần biết đến khả năng, tố chất, khí chất thể chất con mình như thế nào, tạo nên áp lực quá lớn cho con cái. Đến một lúc nào đó kết quả mang lại không như mong muốn sẽ tạo cho cả cha mẹ và con cái một sự thất vọng, điều đó thật nguy hại, những cái chết thương tâm, những đứa trẻ đang yên lành bỗng trở nên tự kỷ, trầm cảm cũng chỉ vì những áp lực nặng nề ấy.
Không chỉ những tham vọng mà còn là sự tự cao tự đại luôn coi con mình là nhất, là hơn cả, tư tưởng ấy của cha mẹ còn âm thầm nhen nhóm trong suy nghĩ và tư tưởng con mình những tham vọng và hình thành tích cách thô bạo, hợm hĩnh, ngạo đời…

- Thứ ba là: Cha mẹ hoặc quá lo cho bản thân, cho gia đình, tham lam tiền bạc, ham hố chức quyền danh vọng đã hời hợt trong sự quan tâm mà buông thả tự do cho con quá mức bằng sự nuông chiều thỏa mãn những gì con cái muốn. Con cái được tự do làm những gì mình muốn mình thích, vô tình tạo cho con sự đòi hỏi và ích kỷ, đến một ngày nhìn lại thì con đã vượt khỏi tầm kiểm soát của mình.
- Thứ tư là: sự giáo dục của cha mẹ thường hay giáo điều, kinh nghiệm và coi thường. Đạo lý làm người là không thay đổi nhưng giáo lý thì không phải là bất biến, mỗi một thế hệ, một thời đại đổi thay thì giáo lý cũng có nhưng điều cần thay đổi cho phù hợp. Quan niệm “trứng khôn hơn vịt” đã đến lúc phải xem lại, thế hệ ngày nay đã khác xưa rất nhiều, nhạy cảm hơn, nhận thức và tiếp thu cái mới nhanh hơn, trí tuệ và tâm sinh lý cũng phát triển sớm hơn. Vì vậy cha mẹ cần sự hiểu biết hơn, tinh tế hơn và biết tin vào con trẻ nhiều hơn.
Điều quan trọng của việc quan tâm giáo dục của cha mẹ đối với con cái chính là sự hiểu con. Hiểu khả năng tư duy, tố chất, tư chất, tính cách con mình, sức khỏe và khả năng tiếp nhận bên ngoài để có sự quan tâm và hỗ trợ. “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” bản thân cha mẹ không thể tạo nên tính cách con cái. Vấn đề còn lại là quan tâm nuôi dưỡng, giúp đỡ và định hướng cho con trên cơ sở tôn trọng tự do lựa chọn của con, tạo cho con quyền được nói lên suy nghĩ và chính kiến của mình. Cốt lõi là quan tâm về sức khỏe và cố gắng để hiểu con, hướng con đến những chuẩn mực trong ứng xử với con người với gia đình và cộng đồng.
Tránh đặt ra mục tiêu mục đích quá sớm đối với con mình và một điều không kém phần quan trọng là cha mẹ phải biết bằng lòng với con mình, biết thương yêu khen tặng và tha thứ, chia sẻ cùng con nhưng vui buồn và cả những thành công, thất bại. Không đem con ra để so sánh hay đòi hòi phải như con nhà này nhà khác, đứa trẻ nọ đứa trẻ kia, bởi năng lực tự thân của con người không thể có sự đồng đều. Không tạo cho con cái sự ganh đua thái quá và biết tạo cho con sự bình yên và thân thiện. Càng không nên áp dụng những hình phạt khắt khe và thô bạo làm cho con bị bị tổn thương tình cảm, sang chấn tinh thần và ức chế tâm lý, tạo nên những dấu ấn buồn đầu đời, những dấu ấn ấy sẽ như vết sẹo cuộc đời theo con đi mãi.
Giờ thì đến lượt tôi kể về chuyện người bạn.
Khi con cái anh ấy sinh ra và cho đến khi trưởng thành luôn vắng bóng cha bên cạnh, nhưng chúng lại tỏ ra thân thiện gần gũi với cha hơn là mẹ của chúng. Cha chúng luôn tạo cho chúng một mối quan hệ vừa là cha vừa là bạn, cố gắng tu mình để dù trong hoàn cảnh nào và bất cứ điều gì xảy ra thì con vẫn có niềm tin và trong mắt con cha vẫn là thần tượng. Mặc dù thế các con anh ấy vẫn luôn ý thức cha là một người cha độ lượng vị tha nhưng rất nghiêm khắc. Khi con gái anh ấy học lớp 9 con đã có bạn trai, tất thảy mọi người trong gia đình đều phản đối và ngăn cấm, ai cũng dọa con rằng sẽ về mách ba, điều đó làm cho con lo lắng.
Nhưng đến khi gặp con ngược lại với suy nghĩ của mọi người, anh ấy vẫn khuyên con rằng: Nếu bạn ấy là người tốt, con tin bạn ấy và bạn ấy cũng tin con thì các con cứ giữ lấy tình bạn đẹp và có thể là tình yêu ba cũng không phản đối, vấn đề con phải nhớ con là con của ba và đừng để tình cảm ấy chi phối con trong mọi việc. Con gái đã rất vui rất yên tâm và đã giữ gìn được tình cảm đẹp ấy cho đến ngày học xong đi làm và tất nhiên tình bạn ấy đã trở thành tình vợ chồng rất hiểu nhau và hạnh phúc.
Ngày con gái học lớp 12, anh ấy đã dẫn con vào thăm một cơ sở massage, đưa con vào tận từng buồng xem họ làm ra sao rồi hỏi: con thấy thế nào? Con trả lời ngay: “Cũng là một nghề thôi mà ba, nhưng con thấy sợ” Quan niệm của anh ấy là khi con đã thích đã muốn thì dù đẩy nó ra nó cũng cứ lao vào, còn nều nó thấy không thích và không chấp nhận được thì dù có đẩy vào nó cũng chạy ra.
Ngày con trai học PTTH anh đã rủ con vào vũ
trường, con trai nói: “Đấy là chỗ ăn chơi vớ vẩn mình vào làm gì hả ba con không thích” nhưng anh kiên quyết bắt con vào: “Không thích cũng phải vào, vào để cho biết, đây là lệnh” Vào vũ trường anh không uống được bia rượu và con trai anh cũng thế nhưng vẫn ngoắc tay hai chai bia mở ra ngửa cổ làm một ngụm cho ra dáng ăn chơi. Được một lát con trai kêu đau đầu đòi về.
Trên đường về anh chở con đến một đường phố vắng, nơi có những cột đèn sáng và những con nghiện ma túy tụ bạ tiêm chích. Anh đã bắt con trai phải đứng xem, một lát nhìn thấy mặt con tái dại không nói năng gì. Vẫn là một phép thử để biết con mình có thấy thú vị, có biểu hiện tò mò không. Con trai sinh ra trong gia đình bố làm cán bộ, kinh tế không thiếu thốn nhưng từ nhỏ con luôn chọn cho mình một phong cách ăn mặc rất bình thường. Đã có lần anh phải băm nát bộ quần áo đẹp của con vì con không chịu mặc, chỉ là do bộ quần áo quá đẹp và có phần sang chảnh.(đây không phải là kết quả dạy dỗ mà chính là tính cách tự nhiên của con người) Cho đến bây giừ con trai anh đã trở thành một cán bộ lãnh đạo (nhỏ thôi) con vẫn trung thành với phong cách có phần già trước tuổi.
Với con, anh cho chúng thỏa mãn trong suy nghĩ và tư tưởng, được tự do học tập và vui chơi, được thoải mái bày tỏ quan điểm và chính kiến. Anh quan tâm đến việc làm mẫu hơn là giáo điều chúng, làm mẫu từ việc quan tâm gia đình, quan tâm ông bà cha mẹ, anh em bạn bè cho đến việc làm việc xóm, từ hành vi ứng xử đến hành động quan tâm chia sẻ… Anh luôn cố gắng học tập và làm việc thật tốt, sống thật tốt đồng thời đôi khi vẫn lấy mình ra để khích lệ con mình để cho chúng ý thức chúng cần phải làm gì để vượt lên để thoát ra khỏi cái bóng, thoát ra khỏi sự nhờ vả vào cha mẹ để trưởng thành và thành đạt. Anh cho rằng con cái rất nhạy cảm và cũng rất công bằng, nhiều cha mẹ cứ tỏ ra mình là người tử tế, nhân đức nhưng qua cách sống cách cư xử với gia đình với mọi người không tốt con cái sẽ nhận ra đâu là thật giả và chúng sẽ coi thường cha mẹ. Như thế sẽ khó mà làm tấm gương tốt cho con soi vào.
Trong tất cả mọi điều từ cung cách ứng xử đến sự cố gắng độc lập của con cái cho đến giờ này anh thấy rất yên tâm về chúng. Có những việc anh làm, những lời anh nói, những hành vi có thể người ngoài cho là thế này hay thế khác nhưng bất luận thế nào các con anh vẫn là những người hiểu được và hiểu đúng. Từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành con anh không bao giờ xin tiền cha mẹ để ăn quà hay dùng vào việc riêng. Điều này thì cần cha mẹ hiểu con để lo cho chúng hơn là bắt chúng phải nói ra theo kiểu ngửa tay xin sỏ hoặc tìm cách để có tiền. Các con của anh bây giờ đã trưởng thành, chúng rất ngoan rất có trách nhiệm với gia đình với gia tộc và biết chia sẻ giúp đỡ mọi người.
Câu chuyện của anh vắn tắt đến không thể vắn tắt hơn, không phải đem khoe chuyện của bạn lên mạng (đã xin phép) mà chính là muốn cùng mọi người (trước hết là bạn bè trong facebook) sẻ chia để chúng ta càng ngày càng bớt đau lòng thấy cảnh con trẻ chết thảm vì áp lực, ức chế mà chính gia đình đã đè nặng lên vai chúng và không phải nhìn thấy những đứa trẻ đang bình thường bỗng trở nên tự kỷ hoặc bị cái chết rình rập vì trầm cảm.
Chúng ta bớt tham vọng đi, bớt đòi hỏi con cái nữa đi, cha mẹ hãy vừa là cha là thầy là bạn của con mình. Qua câu chuyện của anh bạn tôi thấy một số bạn bè của tôi đang có tư tưởng nhồi nhét và áp đặt tham vọng cho con đấy, đang nhất mẹ nhì con đấy.
NHT trong Người nhà quê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét