Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

4 THÁNG Ở PHÁP - P4

 Nam Nguyen
Rất cám ơn các bạn  đã theo dõi những phần trước liên quan tới 4 tháng hoạt động của cụ Hồ tại Pháp năm 1946, và chủ yếu dựa theo nội dung “Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch” do ông Đỗ Đình Thiện ghi lại. Tất nhiên còn rất nhiều nguồn thông tin của nhiều nhân chứng quan trọng khác nữa về chuyến đi có thể gọi là “định mệnh” này của vị lãnh tụ của chúng ta, cần tiếp tục nghiên cứu và phân tích. Đó sẽ là công trình quan trọng, chuyên nghiệp và đồ sộ chứ không phải khuôn khổ FB (mặc dù lần đầu tiên tôi (Nam Nguyen) dùng hết hạn mức 65000 từ cho một status của FB đấy – vì nó mà Hồi ký phải chia ra làm mấy phần!).

Tuy vậy tôi cũng để ý - không phải lần đầu tiên – rằng những phân tích cao siêu thường lại được ít quan tâm hơn những câu chuyện ngoài rìa, hay nói cách khác Nhật ký rất giá trị của cụ Thiện chưa chắc bà con mình đã đọc hoặc chả đọc kỹ đâu, các phân tích chuyên sâu dù có giá trị đến mấy nhưng chả thể cạnh tranh được trên “cõi Phây” với các câu chuyện “râu ria” xung quanh. Thế nên đáng nhẽ phải cố (và có thể là quá sức tôi) để phân tích kỹ lưỡng về nguyên nhân-ảnh hưởng của chuyến đi của cụ Hồ sang Pháp thì tôi chỉ xin đưa ra mấy nhận định, thực ra là chính cảm hứng của mình, khi tiếp xúc với chủ đề này:
-“Khen bác khen cả ngày!” là câu đùa của chúng ta, nhưng quả thật đọc đi đọc lại Nhật ký tôi vô cùng khâm phục tài năng thiên bẩm của Người! Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, hiểm nguy rình rập (chưa kể tài chính còn eo hẹp cũng là điều ảnh hưởng rất lớn đến tâm trí người lãnh đạo) mà suốt cả hành trình bác luôn thể hiện phong thái lãnh tụ tuyệt vời!
-cụ Hồ như một người chơi cờ giỏi, luôn tính trước nhiều nước, tận dụng mọi mối quan hệ, mọi lực lượng quốc tế có thể ủng hộ về mặt nào đấy cho nhà nước Việt Nam non trẻ. Cụ làm điều đó một cách vô cùng lịch lãm, khoan thai, đẳng cấp. Cụ có nhiều mối quan hệ, đối nhân xử thế rất giỏi để ngay cả đối phương cũng phải nể phục, có tầm văn hóa rất cao và toàn diện. Ngay cả việc cụ nói tiếng Pháp (và cả tiếng Việt!) khá khó nghe cụ cũng biến nó thành lợi điểm của mình được thì quá tài...
-Bà con kiều bào ở Pháp khi đó rất tự hào về những đổi thay ở đất nước, thực sự kính trọng lãnh tụ Hồ Chí Minh, rất hồ hởi vì đất nước được độc lập (dù chưa toàn vẹn). Những người tháp tùng cụ Hồ hay thành viên đoàn ông Phạm Văn Đồng đi Fontainebleau cũng toàn người giỏi giang cả cũng làm cho Pháp kính nể đôi phần.
-Nhưng tất cả các yếu tố đó vẫn chưa đủ để đàm phán Hội nghị Fontainebleau và cả chuyến công tác của cụ Hồ đạt được thỏa thuận mà phía ta mong muốn! Cũng dễ hiểu thôi, quyền lợi, mục đích hai bên quá khác biệt nhau. Khả năng ra về “tay trắng” là rất lớn, nếu như thế biết nói sao với quốc dân đồng bào? Cụ Hồ lại một lần nữa thể hiện khả năng quyền biến tuyệt vời, cụ dùng phong cách chính trị Á Đông để “ép hạ” M.Moutet, đại diện Chính phủ Pháp ký bản Tạm ước như một nỗ lực cuối cũng nhằm cứu vãn nền hòa binh đang bị đe dọa – có chính trị gia châu Âu nào lại đến nhà đối thủ lúc 12 rưỡi đêm để ép được ký kết bằng được không? Đó là đêm 14/9 rạng ngày 15/9/1946, và nhanh chóng sau đó cụ Hồ và đoàn đã về nước 17/9/1946. Dù đối ngoại bản Tạm ước đó không đủ ngăn chặn Pháp tái chiếm Việt Nam nhưng để đối nội đó là một thành tích rất quan trọng.
-Một số chủ đề khác hoàn toàn “nhỏ nhoi” so với cuộc đấu trí giữa cụ Hồ, đoàn Việt Nam và phía chính phủ Pháp nhưng truyền thông ta hay nhắc đến, có lẽ cần nghiên cứu kỹ thêm. Tất nhiên Nhật ký của cụ Thiện không thể đầy đủ từng chi tiết, và có thể một số cuộc gặp của cụ Hồ chưa chắc tất cả thành viên đã được tỏ tường, nhưng quả thật tôi không tìm thấy chỗ nào trong lịch kín đặc của cụ Hồ câu chuyện sau (có khả năng là chỉ có cụ Hồ, ông Huỳnh và lái xe đi gặp họa sĩ chăng??): https://vietnamnet.vn/…/picasso-co-mot-hoa-si-nguyen-ai-quo…
Hoặc như điều chúng ta hay coi là hiển nhiên, là “các trí thức Việt Nam theo lời kêu gọi của Bác Hồ về nước để tham gia kháng chiến” có lẽ chưa chính xác lắm đâu. Như tôi đã viết, thì vai trò lớn nhất trong công việc ấy là của ông Tạ Quang Bửu ở bên đoàn ông Phạm Văn Đồng (tất nhiên việc cụ Hồ là lãnh tụ thì ai cũng hiểu rồi). Có cuộc gặp với các kiều bào làm ngành y dược, Chủ tịch còn khuyên họ nghĩ kỹ đi, điều kiện làm việc ở nhà hoàn toàn không như ở châu Âu đâu... Mà với lịch trình kín đặc như trong Nhật ký, thì có lúc nào để cụ Hồ tiếp xúc với họ đâu, theo tôi rất nhiều vị về nước chỉ có thể trông thấy Chủ tịch một lần duy nhất (sẽ kể tới ở cuối bài) hoặc chỉ được gặp cụ khi lên tàu vượt biển!

Còn báo chí ở nhà nói gì về hai đoàn công tác này, chúng ta trích xem “Cứu quốc” nhé:
“HỘI NGHỊ FONTAINEBLEAU
Ủy ban chính trị của hội nghị Việt – Pháp đã họp sáng hôm 12-7 hồi 10 giờ 25, họp kín, dưới quyền chủ tọa của ông Max André. Hội nghị thảo luận về địa vị nước Việt Nam trong khối liên hiệp Pháp, và những giây ngoại giao giữa Việt Nam và
ngoại quốc. Trong buổi họp, hai bên trao đổi cho nhau những công hàm nói về vấn đề đó. Trước kia tại hội nghị trù bị Đà Lạt, vấn đề này đã được bàn đến trong một…
…lạc ngoại giao của mình và đối với nước Pháp thì giao thiệp thuộc phạm vi luật quốc tế. Trái lại, phái đoàn Pháp cho rằng nước Pháp giữ chủ quyền Đông Dương, chỉ có thể giao thiệp với nước Việt Nam trong phạm vi luật trong nước được thôi.
Sau buổi họp sáng, những giới ở gần phái đoàn Pháp nói rằng lời lẽ hai bức công hàm rất là thân thiện.
Theo những giới am hiểu thì phái đoàn Pháp nhấn mạnh vào điểm cần thiết để cho khối liên hiệp Pháp có một đại diện, mà nước Pháp là đại diện cho khối liên hiệp Pháp. Nhưng phái-bộ ngoại giao có thể sẽ gồm có những nhân viên người Việt Nam
trong đó.
Buổi họp toàn thể ủy ban chính trị đã họp tiếp buổi chiều 12-7 hồi 15 giờ và đến 16 giờ 05 thì ngừng lại. Trong lúc ngừng, ông Max André trao đổi ý kiến một lúc với ông Phạm Văn Đồng. Theo những giói quan sát, thì cuộc thảo luận có lẽ đã đưa ra vấn đề địa vị của Việt Nam trong khối liên hiệp Pháp, còn vấn đề liên lạc ngoại giao giữa Việt Nam và ngoại quốc thì gác lại một kỳ khác. Ông Max André trình bày quan điểm Pháp. Tại đó ông nghĩ rằng vấn đề chính thể nước Việt Nam trong khối liên hiệp Pháp một phần lớn thuộc phạm vi hiến pháp, vậy phải đợi hội nghị lập hiến bản cải.
Ở hội nghị Fontainebleau vấn đề đó chỉ được bàn đến về đại thể thôi. ...”

“Hội Pháp – Việt Nam đón tiếp chủ tịch Hồ Chí Minh
HỒ CHỦ TỊCH TIẾP CÁC NHÀ BÁO
Ngày 11-7 Ủy ban trung ương hội Pháp – Việt Nam đã tổ chức 1 cuộc đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phòng khách dinh Trocadero. Trong phòng tiếp đón trang hoàng, lộng
lẫy, cắm quốc kì 2 nước và có những dỏ hoa kết hình quốc kì Pháp và Việt Nam. Có mặt ông Maurice Thorez, phó chủ tịch Chính phủ, ông Francisque Quốc vụ khanh, đại tướng Le Tentilhomme, ông trường lý Mornet và nhiều nghị viên, nhiều nhân vật trong chính giới Pháp. Ông Phạm Văn Đồng cũng tới dự. Sau khi 1 đoàn nhi đồng Việt Nam hát bài quốc ca Việt Nam và quốc ca Pháp, ông Justin Godart, Chủ tịch ủy ban trung ương hội Pháp – Việt Nam tuyên bố: “Trong lúc này một nước cộng hòa mới đã vừa ra đời trong khối liên hiệp Pháp”. Rồi ông nói với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những…
…đi trái với quyền lợi chung thì những quyền lợi đó phải xóa bỏ đi vì hạnh phúc lớn của hai nước. Dân tộc Pháp bao giờ cũng sung sướng được thấy những nước cộng hòa mới ra
đời”.
Sau một tràng vỗ tay tán thưởng hai bài diễn văn, chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi không tìm cách dấu nổi cảm động của tôi trong lúc này. Tôi thật sung sướng quá chừng, nhận được dấu hiệu cụ thể của tinh thần thiện của nước Pháp. Nỗi vui sướng này không gì mạnh bằng, có lẽ trừ nỗi vui sướng khi tôi được chào mừng một ngày gần đây, sự thực hiện chính thức tinh thần thiện giữa hai dân tộc chúng ta. Những nhà sáng lập hội Pháp – Việt Nam, những nhân viên trong ban tổ chức cuộc họp mặt này hãy nhận lời cảm ơn thành thực của tôi và tấm lòng…
…cả hai nước đều có quyền lợi chung, có một cảm tình chung, có một nền văn hóa và luân lí giống nhau và có chung một nguyện vọng tha thiết tự do....”.

Theo tôi cái cuộc đón tiếp của Hồ Chủ tịch đối với ông Maurice Thorez (mà có lẽ nhiều tri thức Việt kiều được lựa chọn mới có dịp được nhìn thấy Người) được miêu tả trong hồi ký “Tưởng rằng đã quên” của ông Lê Tâm với tựa đề (trích):

NHẠC VĂN CAO Ở PARIS
Hôm đó Bác Hồ chiêu đãi các lãnh tụ Đảng cộng sản (đứng đầu là Maurice Thorez - Tổng bí thư Đảng cộng sản Pháp kiêm Phó thủ tướng Chính phủ) tại Pari. Khách khứa cụ mời gần 100 người. Tiệc trà và bánh thôi, nhưng thật là long trọng, vì có đủ các lãnh tụ Đảng cộng sản Pháp và nhiều, rất nhiều nhân sĩ tri thức nổi tiếng, như Joliot và Irene Cuire, Aragon,… Một tuần trước đó, ông Phạm Văn Đồng-trưởng đoàn Việt Nam tại hội nghị Fontainebleau có đưa cho anh Phạm Huy Thông hai bản nhạc đem từ bên nhà qua là "Tiến quân ca" và "Tiếng hát thiên thai", đều của Văn Cao, và nói: "Trong buổi chiêu đãi của Bác tuần sau nên có ai đó hát cho cuộc họp nghe một bài ca Việt Nam, tôi chỉ có bài Thiên thai này (không lẽ hát bài Quốc ca), anh Thông cố gắng tìm ai đó hát được bài "Thiên thai" nhé!".
Anh Thông và tôi thấy khó mà tìm một người ca sĩ chuyên nghiệp trong hàng ngũ người Việt Nam ở Paris nên anh giới thiệu chị Denise là vợ anh có thể hát được chăng, vì chị ta đã học làm diễn viên ở Viện nhạc kịch Paris đồng thời cũng bập bẹ nói được tiếng Việt Nam. Tôi thì xin đứng ra để bày vẽ cho chị hát, trong một tuần thì có lẽ hát được. Đến buổi tiệc, sau khi trà bánh và nói chuyện rất nhiều và tặng hoa tất cả các bà đầm trong buổi tiệc, Bác Hồ nói: “Hôm nay tôi xin giới thiệu một cháu người Pháp làm dâu Việt Nam, hiến cho các bạn một bài ca hiện nay đang nổi tiếng ở Hà Nội là bài "Tiếng hát Thiên thai”". Chị Denise đứng dậy, ăn mặc xinh đẹp tươi cười nói: “Tôi chưa nói giỏi tiếng Việt nhưng cũng xin hát một bài hát Việt mà tôi mới học được tuần này…” Lúc đó có một tiếng piano đánh tiếng “la” khe khẽ sau bức màn, đấy là tôi đã đứng sau màn rộng che lấp cái piano và đã đánh tiếng “la” quy ước cho chị Denise hát đúng giọng theo. Nhờ đó, cũng nhờ cái piano bí mật thỉnh thoảng cho tiếng "la" và nhờ bản nhạc cầm tay, chị Denise hát được suôn sẻ cho đến cuối, khi một tràng vỗ tay kéo dài của cả hội trường kết thúc buổi biểu diễn. Chị Denise hết sức phấn khởi vì được tặng hoa và Bác Hồ cũng đã tặng bánh kẹo cho chị…
Gần năm mươi năm sau, khi tôi bị ốm vào bệnh viện Việt – Xô, Hà Nội, tôi đã nhận thấy cách tôi một vài giường có anh Văn Cao cũng nằm viện. Nhớ lại buổi trình diễn ở Paris, tôi nói với Văn Cao tất cả chuyện đó. Anh ta và vợ cũng ngồi đó, rất mừng rỡ vì đây là lần đầu tiên họ được nghe chuyện này, Văn Cao nói với tôi: khi ra viện ông Tâm cố gắng tìm cho tôi được địa chỉ của chị Denise, chắc chị cũng còn sống thôi ở đây hoặc ở Paris, để tôi trực tiếp cám ơn chị ta. Nhưng than ôi, ngay lúc đó thì chị Denise không ở Hà Nội mà ở Paris và vài hôm sau Văn Cao đã mất trong bệnh viện.
Về chị Denise, lần cuối tôi gặp chị lại là ở Berlin, lúc đó chị đang làm phóng viên về Việt Nam cho một tờ báo Đông Đức thân thiện với Việt Nam. Mới cách đây một tháng tôi được tin chị đã mất ở Paris vào năm 2011, thọ 87 tuổi.
(Chú thích: thời đó hầu như không có phụ nữ Việt Nam học tại Pháp, nhất là sau thế chiến lần II. Người phụ nữ Việt Nam học giỏi nhất tại Pháp mà tôi nhớ được là con gái cả của cụ Đề Thám, học trước nhiều khóa, tốt nghiệp xuất sắc trường Nông nghiệp Paris - một trường đầu bảng của Pháp, và tên bà được lưu lại trên bảng vàng danh dự của trường!)
Xin kết thúc viết về “4 tháng ở Pháp của Hồ chủ tịch năm 1946” tại đây, nếu thời gian cho phép và có đủ nguồn tư liệu thì đến lúc nào đó tôi sẽ xin tiếp tục viết về “Hội nghị Fontainebleau 1946” mặc dù biết rằng sẽ rất khó khăn. Ngay cả loạt bài này cũng còn rất nhiều thiếu sót, sẽ xin sửa dần với sự góp ý của các bạn FB. Xin cám ơn trước! 
Nguồn FB nam nguỹen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét