KỲ III: SỨ MỆNH DÀNH CHO NHÀ TỶ PHÚ.
6- Di sản tinh thần của Barack Obama.
Nếu trong nhiệm kỳ thứ nhất, vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ tỏ ra thành công trên nhiều lĩnh vực thì nhiệm kỳ thứ hai của ông ta lại có kết quả ngược lại. Những chính sách không nhất quán và bị cản trở khi đảng Dân chủ Mỹ mất quyền kiểm soát cả Thượng nghị viện và Hạ nhị viện Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều hành của chính phủ Mỹ. Theo Richard Haas, Giám đốc điều hành “Hội đồng quan hệ quốc tế” (Council on Foreign Relations) của Viện Chính sách Hoa Kỳ, tâm trạng đa số tại nước Mỹ thời gian này là sự lo lắng bao trùm, nếu không muốn nói là sự tức giận tuyệt đối. Sự giận dữ ấy nhằm vào Phố Wall, nhằm vào người Hồi Giáo, nhằm vào các hiệp định tự do thương mại, nhằm vào Washington, nhằm vào các vụ nổ súng của cảnh sát, nhằm vào cả Tổng thống Barack Obama, nhằm vào cả Đảng Dân chủ, nhằm cả vào người nhập cư và các mục tiêu khác.
Nhiều người sợ rằng việc làm của họ sẽ biến mất bởi sự cạnh tranh từ nước ngoài, từ các công nghệ mới, hoặc được chuyển giao sang các nước khác. Một lượng lớn người Mỹ đang già đi trong lo lắng, vì họ đã không thể để ra một khoản tiết kiệm cần thiết nhằm đảm bảo việc nghỉ hưu của họ sẽ cho phép họ được sống một cách thoải mái cho đến tuổi già. Một số đang phải chi trả các khoản bảo hiểm y tế mà trước đây họ đã từng tránh được do những quy định trong chính sách cải cách được ban hành dưới thời ông Obama, điển hình là chương trình Obama Care.
Vấn đề bất bình đẳng cũng là chủ đề gây chú ý. Điều này gây ra sự giận dữ thực sự, nhưng vấn đề chủ yếu không nằm nhiều ở sự bất bình đẳng bới đó là vấn đề không mới trong xã hội Mỹ. Điều tồi tệ là ở chỗ các cơ hội dần trở nên không đồng đều dối với các tầng lớp khác nhau của xã hội. Niềm tin về sự tự do mà nó cho phép tất cả các công dân và người nước ngoài thường trú tại Mỹ theo đuổi các mục tiêu của họ trong cuộc sống qua sự làm việc siêng năng và tự ý chọn lựa đang nhường chỗ cho ý thức giai cấp. Đó là một sự thay đổi sâu sắc đối với đất nước vốn được thiết lập dựa trên lý tưởng rằng bất kỳ người nào cũng có thể cải thiện được vận mệnh của mình nếu chăm chỉ làm việc.
Còn có thêm một sự bất an về mặt thể chất, có thể là bởi các tội phạm hoặc nỗi lo sợ khủng bố. Trong nhiều cộng đồng còn có mối quan ngại về việc nền văn hóa và xã hội sẽ đi về đâu. Các quan ngại về khả năng chi trả cho người về hưu và chăm sóc y tế sẽ gây nhiều khó khăn hơn nữa cho việc cải cách phúc lợi, và sự mở rộng các phúc lợi sẽ làm tăng nợ quốc gia tới mức kỷ lục. Chính sách tự do thương mại được cho là nguyên nhân làm cho tình trạng mất việc làm và nhận được ngày càng ít sự ủng hộ dù tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng và giúp tăng cường vị thế chiến lược của Mỹ trên khắp thế giới.
Nhập cư, một phần quan trọng trong di sản đất nước và là một nguồn mang lại những tài năng quý giá, hiện giờ là chủ đề gây nhiều tranh cãi đến mức viễn cảnh cải tổ trở nên mờ mịt. Tâm trạng của nước Mỹ có thể cũng làm tăng sự tập trung vào các vấn đề trong nước của các quan chức. Vốn đã chán nản với sự can dự ở nước ngoài, hệ quả của những can thiệp ở Iraq và Afghanistan, những hành động quân sự gây rất nhiều tốn kém nhưng hiệu quả thu được thì lại rất mù mờ, nhiều người Mỹ giờ đây nghi ngờ về những gì mà nước Mỹ có thể đạt được ở nước ngoài. Người dân Mỹ cảm thấy ngán ngẩm với những đồng minh được xem là không sẵn sàng chia sẻ gánh nặng chung một cách công bằng, và họ ngày càng cho rằng chính phủ cần phải tập trung ít hơn vào thế giới bên ngoài và thay vào đó cần chú ý hơn tới việc khắc phục các vấn đề nội bộ bên trong nước Mỹ.
Đây cũng là cuộc bầu cử tổng thống có tỷ lệ cử tri Mỹ đi bầu thấp nhất kể từ sau Nội chiến Mỹ đến nay. Trong số 231.560.000 công dân Mỹ có quyền bỏ phiếu phổ thông thì có đến 46,9 % không đi bầu cử. Lý giải cho điều này là tâm trạng hoài nghi chính trị trong người dân Mỹ càng gia tăng khi mức độ bất bình đẳng thu nhập ngày càng bị nới rộng. Bộ máy truyền thông và báo chí mất cân bằng và trượt khỏi trạng thái khách quan. Tiền chi cho các hoạt động vận động tranh cử tuy không chảy vào túi các quan chức tham nhũng nhưng lại chảy vào các hoạt động quảng cáo. Điều này làm gia tăng sự ảnh hưởng của các nhà tài trợ, những người đang thao túng cuộc bầu cử. Người dân Mỹ cho rằng lá phiếu của họ có quá ít sức mạnh nếu so với tầm ảnh hưởng của các lá phiếu từ giới nhà giàu nên họ không đi bầu và khả năng các ứng cử viên duy trì lời hứa là không cao. Từ những biểu hiện tâm lý này, các cử tri Mỹ đi bầu cử đã chọn cách tạo ra sự đột phá của một ứng viên ít kinh nghiệm hoạt động chính trị và có tính cách thất thường hơn là lối mòn mà những chính khách lão luyện Mỹ đã tạo ra mà họ biết trước rằng sẽ chẳng có gì thay đổi lớn.
Về đối ngoại, bất kỳ người nào luôn theo dõi tình hình quốc tế trong nhiệm kỳ thứ hai của Barack Obama đều nhận thấy sự đuối sức của Mỹ khi can dự và giải quyết các vấn đề quốc tế, đặc biệt là ở Trung Đông, Ukraina và Biển Đông.
Ở Trung Đông, sau khi tung ra chiến dịch săn lùng Bin Laden thành công, Obama đã không lập được một “chiến tích” đáng kể nào nữa. Cuộc chiến chống IS sa lầy đã buộc Mỹ phải chấp nhận sự có mặt của không quân Nga ở Syria sau khi đã chấp nhận giải pháp đổi vũ khí hóa học lấy sự không can thiệp bằng quân sự của Mỹ và phương Tây do Nga đề xuất. Sai lầm của tình báo Mỹ trong cuộc đảo chính hụt hồi tháng 7 năm 2016 đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra xa Mỹ và NATO. Nga và Thổ đã khôi phục lại mối quan hệ vốn trước đó đã rạn nứt vì vụ F-16 của Thổ bắn rơi Su-24 của Nga trên vùng trời Syria. Sự đuối sức của Mỹ đã tạo điều kiện cho Nga đưa ra ý tưởng: IS ở Iraq do Mỹ và Iraq giải quyết. IS ở Syria do Nga và Syria giải quyết. Mặc dù Mỹ ra sức lôi kéo các đồng minh NATO ở Châu Âu tham chiến nhưng các quốc gia này đã rất dè chừng. Có lẽ bài học ở Afghanistan và Libya đã cho họ thấy họ đổ tiền của, vũ khí tham gia liên minh chống khủng bố với Mỹ nhưng kết quả là họ không thu được lợi lọc gì mà còn bị phản đòn như Pháp và Bỉ.
Ở Ukraina, đống rác Maidan mà CIA đạo diễn và được Joe Biden hết lòng ủng hộ đã đưa nước này rơi xuống đáy của cuộc khủng hoảng không có lối thoát. Các đồng minh NATO yêu cầu Mỹ phải có trách nhiệm cùng với họ giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài đã gần 3 năm này chứ không được trút trách nhiệm lên vai NATO. Các đồng minh NATO mặc dù rất e ngại Nga nhưng cũng rất dè chừng trước thủ đoạn kẻ ăn ốc, người đổ vỏ của Mỹ. Không kể Anh vốn là đồng minh thân cận nhất, còn các đồng minh NATO khác đều mất dần niềm tin vào Mỹ. Ở Châu Á - Thái Bình Dương, sự hiện diện quân sự của Mỹ không đủ để ngăn chặn sự bành trước của Trung Quốc. Thủ đoạn “ném đá giấu tay” kích động mâu thuẫn giữa các nước láng giềng của Trung Quốc với Trung Quốc không thu được hiệu quả là bao. Chỉ có Nhật Bản nhân cơ hội này sửa đổi hiến pháp, tăng cường vũ trang. Các đồng minh của Mỹ cũng nghi ngại khi Mỹ một mặt kêu gào chống Trung Quốc nhưng mặt khác, vẫn “đi đêm” với Bắc Kinh. Giờ đây, Philippines đang hành động rất quyết liệt, không để Mỹ đàm phán với Trung Quốc trên lưng mình.
Nhìn chung, không kể những nước không chấp nhận vai trò độc tôn lãnh đạo thế giới của Mỹ, ngay cả những đồng minh của Mỹ cũng bắt đầu bắt đầu nghi ngờ về vai trò đó của Mỹ và đã nghĩ đến một thiên hạ tam phân với ba trung tâm quyền lực chính trị quân sự (Mỹ - Nga – Trung), ba trung tâm kinh tế (Mỹ, Trung, Nhật). Có thể nói, với nhiệm kỳ cuối cùng của Barack Obama, giai đoạn mà Mỹ một tay che cả bầu trời đã kết thúc.
7- Sứ mệnh của Tổng thống-tỷ phú và kế hoạch 100 ngày đầu tiên.
Theo lệ thường trong lịch sử Mỹ, các tổng thống Mỹ thường xuất thân từ giới trí thức, nghệ sĩ, nhà báo, kỹ sư, luật sư hoặc giới quân sự, còn các nhà tư bản tài phiệt cỡ lớn hiếm khi tham gia chính trường. Họ thường ở sau hậu trường, thông qua Thượng viện, Hạ viện và các ủy ban của nó, thông qua các quan chức chính phủ và đôi ngũ cố vấn tin cậy được cài cắm ở Nhà Trắng, ở Điện Capital, ở Lầu Năm Góc, thậm chí dùng cả CIA và FBI để tác động đến chính sách đối nôi, đối ngoại của chính quyền Mỹ.
Donald Trump là trường hợp hiếm gặp không chỉ vì đây là lần rất hiếm hoi trong lịch sử chính trường Mỹ, một nhà tư bản cỡ tỷ phú trúng cử tổng thống Mỹ mà còn vì Donald Trump từng là đảng viên đảng Dân chủ cho đến năm 1987 thì bỏ đảng này và gia nhập đảng Cộng hòa. Rồi đến năm 1999, ông ta lại chuyển sang đảng Cải cách. Đến năm 2001, ông lại quay về đảng Dân chủ. Đến năm 2011, ông lại lập ra đảng Độc lập nhưng sớm thất bại. Và đến năm 2012, ông lại quay về đảng Cộng hòa. Nói tóm lại là ông cảm thấy cưỡi con lừa nhỏ bé quá nên chuyển sang cưỡi voi. Tiểu sử chính trị của Donald Trump khá tương đồng với tính nết thất thường của nhà kinh doanh bất động sản kiêm nhà sản xuất chương trình truyền hình này.
Không nên quên rằng Mỹ vẫn là một cường quốc hàng đầu thế giới mặc dù nó đã suy yếu ít nhiều hay các đối thủ của nó đã mạnh lên ít nhiều trong 20 năm qua. Những sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ vẫn không nhằm mục đích nào khác ngoài việc duy trì vai trò dẫn dắt thế giới của Mỹ theo như quan niệm của người Mỹ. Vì vậy, sứ mệnh đầu tiên của Donald Trump một tổng thống “Hồn Dân chủ, Da Cộng hòa” là duy trì vai trò đó. Nhưng bằng những biện pháp không giống với thông lệ của các tổng thống đến từ Đảng Cộng hòa (dùng cây gậy), cũng không giống với truyền thống của đảng Dân chủ (dùng củ cà rốt).
Về chiến lược, Donald Trum xác định Trung Quốc mới là đối thủ nguy hiểm trước mắt đối với Mỹ chứ không phải là Nga. Điều này ngược lại với quan điểm của Barack Obama, của Hillary Clinton cũng như của đảng Dân chủ Mỹ và một số thành viên cốt cán của đảng Cộng hòa. Tân tổng thống-tỷ phú Mỹ buộc phải lựa chọn bởi Mỹ không đủ sức tiến hành một cuộc chiến tranh rưỡi (gồm một cuộc chiến tranh tổng lực và một cuộc chiến tranh cục bộ) chứ đừng nói đến hai cuộc chiến với hai đối thủ đang dần xích lại gần nhau, liên thủ với nhau. Donald Trump nhận thấy rất rõ sai lầm của chính quyền Barack Obama là đã ép Nga bằng Maidan, dính líu quá sâu vào cuộc khủng khoảng Ukraina mà lợi lộc cho Mỹ lại rất mịt mờ. Không những thế, còn gián tiếp thúc đẩy Nga “Đông tiến” và bắt tay với Trung Quốc. Do đó, việc đầu tiên mà Donald Trump sẽ làm là “hâm nóng” quan hệ Mỹ – Nga để dần kéo Nga ra xa Trung Quốc. Nếu không làm được điều này, một liên minh quân sự Nga – Trung sẽ là một nguy cơ đe dọa cực kỳ nghiêm trọng lợi ích của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương.
Mỹ không sợ sức mạnh quân sự của Trung Quốc bởi quân đội nước này dù có đông nhất thế giới thì trang bị vũ khí khí tài hiện đại, đặc biệt là phương tiện chiến tranh điện tử còn rất xa mới bằng Nga và Mỹ. Cái mà Mỹ ngại Trung Quốc nhất là kinh tế và tài chính. Trong một đoạn viết trên trang web cá nhân từ năm 2011, khi Barack Obama đang thành công ở cuối nhiệm kỳ đầu tiên, tỷ phú bất động sản Donald Trump đã nhận định:
“Trung Quốc đưa đến ba mối đe dọa lớn đối với Mỹ khi thao túng tiền tệ quá đáng, nỗ lực phá hủy nền tảng sản xuất của ta một cách có hệ thống; gián điệp công nghiệp và chiến tranh mạng chống lại Mỹ. Người Trung Quốc đã hà hiếp ta nhiều năm rồi. Nhưng, chính quyền Obama có vẻ gần như đồng lõa trong việc muốn giúp người Trung Quốc giẫm đạp lên ta. Obama tuyên bố ta không thể làm những việc có lợi cho ta, bởi nó có thể sẽ châm ngòi cho một “cuộc chiến thương mại”, làm như thể lúc này ta không ở trong một cuộc chiến như thế vậy. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta có thể vượt qua các mối đe dọa của Trung Quốc bằng một một chiến thuật khôn ngoan và một nhà thương thuyết cứng rắn.”
“Việc Trung Quốc thao túng trên quy mô lớn đồng tiền của nước này có mục đích là nhằm đẩy mạnh xuất khẩu của nó và hủy hoại các ngành công nghiệp nội địa của ta. Khi chính quyền Trung Quốc thao túng đồng Nguyên (Nhân dân tệ) và định giá thấp nó, họ có thể bán hàng cho các nước khác với giá thấp hơn rất, rất nhiều so với một công ty Mỹ, vì đồng tiền của ta được định giá ở mức giá thị trường chính xác hơn. Nghĩa là, hàng hóa của ta được định giá cao hơn, và việc này khiến chúng kém cạnh tranh hơn.”
“Nhiều nhà phân tích đã cố xác định giá trị thực của đồng tiền Trung Quốc, nhưng thật khó có thể nói chắc vì giá trị luôn thay đổi. Tuy nhiên, quả thật dường như cũng có một sự nhất trí là đồng nhân dân tệ có vẻ bị định giá thấp đâu đó trong khoảng 40- 50% so với giá trị thực của nó. Nghĩa là người Trung Quốc có thể định ra mức giá chỉ bằng nửa giá của một nhà sản xuất Mỹ cho một hàng hóa hay dịch vụ tương tự. Điều này báo hiệu nguy cơ người lao động Mỹ mất công ăn việc làm, và đó chính xác là chuyện đang xảy ra ngay lúc này.”
“Hãy nhìn vào những gì mà hành động thao túng tiền tệ của Trung Quốc đã gây ra cho ngành công nghiệp thép của ta. Là một nhà thầu xây dựng nhiều tòa nhà xa hoa khổng lồ, tôi có thể cho bạn biết rằng công nghiệp thép có ý nghĩa sống còn đối với sức mạnh kinh tế của ta, và là một khoản chi phí quan trọng trong bất cứ công trình xây dựng nào. Theo Hiệp hội Sắt Thép Hoa Kỳ (AISI), hành động định giá thấp tiền tệ của Trung Quốc là hình thức “trợ giá lớn nhất” cho các nhà sản xuất Trung Quốc, là “chìa khóa” cho sự bùng nổ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc, và là “một nguyên nhân chính” cho sự mất cân bằng cấu trúc toàn cầu đang góp phần dẫn đến sự sụp đổ tài chính gần đây của Mỹ”.
“Sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc và các hoạt động thương mại không công bằng khác đã giúp ngành sản xuất thép thô của Trung Quốc nhảy vọt từ 15% tổng sản lượng toàn cầu năm 2002 lên một con số cao đến không ngờ là 47% năm 2008. Năm 2002, Mỹ chỉ nhập khẩu 600.000 tấn thép (3% trên toàn bộ số thép nhập) từ Trung Quốc. Đến năm 2008, Trung Quốc đã khiến chúng ta phải mua 5 triệu tấn thép. Và một lần nữa, họ làm được điều này chủ yếu là nhờ việc định giá thấp đồng Nhân dân tệ.”
(hết trích dẫn)
Và như vậy, ẩn giấu bên trong vẻ ngoài bỗ bã thậm chí thô lỗ và tác phong sinh hoạt phóng túng của Donald Trump là những tư duy chiến lược về kinh tế đối ngoại chứ không như hệ thống truyền thông Mỹ và phương Tây bấy lâu nay vẫn dắt mũi thiên hạ. Ai trên thế giới này có thể không biết nhiều về Donald Trump nhưng chắc chắn người Nga biết rất rõ.
Về đối nội, trong một bài diễn văn đọc ở Gettysburg, bang Pennsylvania vào tháng 10-2016, Donald Trump đã đưa ra một số cam kết mà ông ta sẽ thực hiện trong 100 ngày đầu sau khi nhậm chức.
a- Bắt đầu quá trình đưa hơn hai triệu tội phạm và người nhập cư trái phép ra khỏi nước Mỹ trong kế hoạch trục xuất 5 triệu người nhập cư trái phép đã bị “đóng băng” dưới thời Barack Obama; đồng thời ngừng cho người dân các nước được miễn trừ thị thực vào Mỹ nếu các nước này từ chối nhận lại công dân nước họ. Theo quan điểm của tổng thống-tỷ phú Mỹ, tội phạm nhập cư trái phép gây nguy hiểm cho an ninh nội địa của Mỹ, còn những người ngoại quốc nhập cư trái phép một mặt “cướp” mất việc làm của người Mỹ, mặt khác là gánh năng cho bảo hiểm và các tổ chức dịch vụ xã hội của nước Mỹ.
b- Làm vô hiệu lực tất cả các sắc lệnh của Obama. Đây là quan điểm gây tranh cãi nhiều nhất. Chính vì quan điểm này mà chỉ ba ngày sau khi Donald Trump thắng cử, các cuộc biểu tình chống ông này nổ ra trên khắp nước Mỹ. Những người đi biểu tình hầu hết đều thuộc tầng lớp nghèo và cận nghèo, những người được hưởng lợi từ các chính sách xã hội của chính quyền Obama. Vì vậy thực hiện điều này đối với Donald Trump là cả một thách thức lớn mặc dù Hiến pháp Mỹ hoàn toàn cho phép các tổng thống Mỹ làm việc này.
c- Hạn chế các quan chức Nhà Trắng trở thành các nhà vận động hành lang và giới hạn nhiệm kỳ của các nghị sĩ Mỹ. Quả thật, nhiều quan chức Nhà Trắng khi còn tại nhiệm hoặc đã nghỉ hưu đã chọn “nghề” vận động hành lang (lobby) để kiếm thêm thu nhập. Tổng thống-tỷ phú Mỹ biết rõ việc vận động hành lang có kết quả khá tiêu cực đối với một số quyết sách của chính quyền Mỹ, cản trở hoặc làm sai lệch các quyết sách đó, khiến cho các tổng thống Mỹ nhiều phen bất lực. Còn việc hạn chế nhiệm kỳ của nghị sĩ Mỹ, có thể tối đa là 2 nhiệm kỳ như quy định đối với tổng thống chính là để hạn chế việc lạm dụng quyền lực. Đây là điểm mới và có thể thực hiện được. Tổng thống – tỷ phú Mỹ không những có quyền lực với cả Hạ viện và Thượng viện hiện đều do đảng Cộng hòa nắm giữ, một điều xa xỉ mà người tiền nhiệm Barack Obama chỉ có được trong hai năm, mà còn có quyền lực bổ nhiệm một vị trí còn trống trong 9 vị trí Thẩm phán tối cao của Tòa án tối cao liên bang, tạo nên một đa số 5/4 cho Đảng Cộng hòa ở cơ quan Tư pháp cao nhất nước Mỹ.
d- Tạo ra một cuộc cách mạng thuế quy mô lớn nhất kể từ sau giai đoạn cầm quyền của cựu Tổng thống Ronald Reagan. Theo đó, tỷ phú Mỹ sẽ cho cắt giảm toàn bộ các lĩnh vực thu thuế như việc doanh nhân Mỹ sẽ không phải trích hơn 15% doanh thu để đóng thuế so với mức hiện tại là 35%. Do đó, mức thuế cao nhất sẽ chỉ còn 39,6% do đảng Cộng hòa hạn chế phân loại mức thuế theo thu nhập.
Đó là 4 lĩnh vực sẽ có thay đổi lớn về chính sách đối nội của Mỹ. Còn về đối ngoại thì có thể sẽ có đến 3 lĩnh vực mà chính sách của Mỹ sẽ thay đổi. Thậm chí có chính sách sẽ đảo ngược.
a- Về thương mại quốc tế, Donald Trump từng lên tiếng phản đối Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và kêu gọi tiến hành thay đổi cơ bản hiệp ước NAFTA (hiệp ước tư do thương mại) với Mexico và Canada. Ông Trump còn đe dọa áp đặt 45% thuế đối với các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất, tạo ra mối lo ngại về một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sắp bùng nổ.
b- Về kiểm soát vũ khí hạt nhân, Donald Trump cho rằng thỏa thuận của Barack Obama với Iran nhằm ngăn chặn nước cộng hòa hồi giáo này ngừng phát triển vũ khí hạt nhân nên bị xóa bỏ hoặc ít nhất là xem xét lại. Barach Obama muốn gây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân thì Donald Trump lại tuyên bố ủng hộ Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân. Tổng thống-tỷ phú Trump còn đặt ra những nghi ngại về những cam kết trong hiệp ước giữa Mỹ và các đồng minh NATO, đồng thời ủng hộ một lộ trình tiếp cận gần hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
c- Xuất phát từ lập luận lời cảnh báo thế giới đang nóng lên chỉ là trò lừa đảo của Trung Quốc để buộc các nhà sản xuất Mỹ giảm thế cạnh tranh. Donald Trump hứa sẽ hủy tất cả các khoản đóng góp của Mỹ vào các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc và dùng khoản tiền này để sửa chữa cơ sở hạ tầng ở Mỹ đang xuống cấp nghiêm trọng. Đây là một động thái ưu tiên cho lợi ích của Mỹ. Thậm chí, Donald Trump còn thề sẽ “xé bỏ” hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu mà chính quyền Tổng thống Obama vừa ký để đối phó với Trung Quốc.
Đó là sơ bộ những gì mà Tổng thống-tỷ phú Donald Trump sẽ làm trong 100 ngày đầu tiến sau khi chính thức nhận chức ngày 20-1-2017 tới đây.
KẾT LUẬN.
Nếu như toàn bộ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua là một “màn diễn” xuất sắc của cả hai diễn viên Donald Trump và Hillary Clinton cùng hai trợ thủ là Mike Pence (phe Cộng hòa) và Tim Kaine (phe dân chủ) thì mọi người cũng phải chào thua những “soạn giả” của màn kịch này và những “đạo diễn” của nó không phải đến từ kinh đô điện ảnh Hollyood mà đến từ phố Wall. Họ đã quá xuất sắc khi tạo ra một kịch bản gay cấn đến phút chót của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thứ 45. Không những thế họ còn điều khiển bộ máy truyền thông Mỹ “dắt mũi” dư luận cả trong nước Mỹ và trên thế giới trong suốt hơn nửa năm trời.
Nhiều người cho rằng Hillary Clinton thất bại vì quá tư tin, thậm chí là rất kiêu ngạo và kiêu ngạo kinh niên trong nhiều năm (ý kiến của nhà phân tích Todd S.Purdum trên tạp chí Politico). Quả thật là có việc đó. Sau thắng lợi trong vòng bầu cử sơ bộ, bà Clinton không thèm tới thăm các bang thường có xu hướng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ như Wisconsin và Michigan. Với tuyên bố của đối thủ rằng ông ta sẽ "vẽ lại bản đồ cử tri" thì bà ta phá lên cười chế nhạo. Kết cục là một số bang “Dân chủ” đã không cứu vãn được sự khinh suất của cựu ngoại trưởng Mỹ và bà Clinton nhận thất bại.
Nhưng tôi lại không cho là như vậy. Vấn đề là ở chỗ cương lĩnh tranh cử của cựu ngoại trưởng Mỹ không có gì mới và nổi trội. Thậm chí, nó có vẻ như là bản sao cương lĩnh tranh cử của Barack Obama cách đây 8 năm và được sửa đổi một số điểm cho phù hợp với tình hình mới. Còn Donald Trump thì chưa biết có làm nên cơm cháo gì không nhưng cương lĩnh tranh cử của ông ta có nhiều điểm mới, trong đó có cả những điểm trái ngược với chính sách của người tiền nhiệm cũng như hứa hẹn những đột phá quan trọng. Điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của xã hội Mỹ đang muốn thoát khỏi những bế tắc và trì trệ kéo dài từ đại khủng hoảng 2008 đến nay. Tóm lại là người Mỹ, trước hết là các tỷ phú tài phiệt Mỹ muốn có một sự thay đổi lớn và mạnh mẽ, khả dĩ có thể đưa Mỹ trở lại ngôi bá chủ trước đây, khi Liên Xô sụp đổ chứ không chấp nhận là Mỹ chỉ có ưu thế như hiện nay. Chúng ta hãy cùng xem tổng thống thứ 45, tổng thống-tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ thực hiện những cam kết của ông ta trong nhiệm kỳ đầu tiên như thế nào.
FB : Tâm Minh Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét