(thanh niên tự do )Xin cám ơn tác giả Nguyễn Gia Kiểng.
*Đây quả là một bài viết thật có giá trị với những phân tích và nhận
xét của ông quả thật là quá chính xác. Điều mà không ít người trong
chúng có thể nhận ra: Đảng CS Hànội thì cố ôm chặt lấy Tàu, không muốn
buông Tàu ra để ngã theo Mỹ. Nhưng ngược lại, phía Tàu thì ngược lại,
bây giờ họ lại muốn phủi tay, không còn ham muốn chiếm lấy VN nữa!
*Đó quả là một điều bất ngờ! Và điều đó cũng có thể giải thích lý do nào Hà nội loay hoay như gà mắc đẻ, chạy đông chạy tây…
KHI THIÊN TRIỀU SỤP ĐỔ ..
Tập Cận Bình thừa kế một Trung Quốc tương tự như Liên Xô của
Gorbachev cuối thập niên 1980. Gorbachev đã thất bại khi cố làm những
thay đổi cần thiết, Tập Cận Bình trái lại từ chối làm một việc phải làm.
Hậu quả chắc chắn sẽ bi đát hơn…”
Khi nhận định về Trung Quốc các chuyên gia thường quên hai điều rất cơ bản. Một là Trung Quốc là một thế giới hay một đế quốc – hay một thiên hạ theo cách nói của người Trung Quốc- chứ không phải là một nước, do đó không thể lý luận và dự đoán về nó như người ta thường làm với một quốc gia. Hai là Trung Quốc vốn sẵn có một văn hóa nghi lễ lấy hình thức để tạo ấn tượng về nội dung, có khi để che giấu nội dung. Văn hóa này đã được tăng lên nhiều lần dưới chủ nghĩa cộng sản mà một đặc tính nền tảng là che đậy sự thực.
Khi nhận định về Trung Quốc các chuyên gia thường quên hai điều rất cơ bản. Một là Trung Quốc là một thế giới hay một đế quốc – hay một thiên hạ theo cách nói của người Trung Quốc- chứ không phải là một nước, do đó không thể lý luận và dự đoán về nó như người ta thường làm với một quốc gia. Hai là Trung Quốc vốn sẵn có một văn hóa nghi lễ lấy hình thức để tạo ấn tượng về nội dung, có khi để che giấu nội dung. Văn hóa này đã được tăng lên nhiều lần dưới chủ nghĩa cộng sản mà một đặc tính nền tảng là che đậy sự thực.
Cho đến nay thực trạng Trung Quốc đã được che đậy dưới lớp vải điều
hào nhoáng của một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục khiến nhiều người
quên rằng kinh tế không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất của Trung
Quốc.
Kinh tế Trung Quốc hết thuốc chữa
Hãy nói ngay về lớp vải điều đó. Trong gần ba thập niên Trung Quốc đã
gây kinh ngạc cho thế giới vì tỷ lệ tăng trưởng liên tục trên 10%. Tỷ
lệ này được hạ xuống 8%, rồi 7% trong những năm gần đây. Các con số
chính thức của Trung Quốc dĩ nhiên là không chính xác nhưng điều có thể
thấy được là hàng hóa Trung Quốc đã tràn ngập các thị trường thế giới,
các công trình xây dựng hoành tráng và các cao ốc đồ sộ mọc lên khắp
nơi, tư bản Trung Quốc đầu tư vào mọi quốc gia, từ Châu Phi đến Châu Âu,
Châu Mỹ qua Việt Nam, Lào và Campuchia. Ảnh hưởng Trung Quốc tỏa rộng.
Có những dự đoán theo đó Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ trong một tương lai
gần.
Nhưng rồi bắt đầu có những ngờ vực. Năm 2001 có cuốn sách The Coming
Collapse of China (Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc) gây được tiếng vang
lớn. Bạn bè đã tóm lược cho tôi cuốn sách này ; nó sai vì phạm một
trong hai sai lầm cơ bản đã được nói ở đầu bài này nghĩa là lý luận về
Trung Quốc như một quốc gia. Dần dần quan điểm của các quan sát viên về
Trung Quốc thay đổi hẳn. Mới đầu người ta tự hỏi liệu Trung Quốc có thể
lâm vào khủng hoảng không ? Rồi Trung Quốc sẽ lâm vào khủng hoảng lúc
nào ? Và bây giờ câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ còn che đậy được tình
trạng suy thoái bao lâu nữa và lúc đó tương lai Trung Quốc sẽ ra sao ?
Tất cả những đèn báo động đều đã đỏ rực. Nợ công của Trung Quốc được
ước lượng bởi mọi định chế thẩm định (rating agencies) là ở mức 300%
GDP, nghĩa là cao một cách nghiêm trọng. Nhưng con số này có thể chỉ là
một phần của sự thực bởi vì không bao gồm những khoản nợ không chính
thức hoặc không hợp pháp đầy rẫy trong xã hội Trung Quốc. Thí dụ như
tình trạng tuyệt đại đa số các công ty nhà nước lớn mượn tiền của ngân
hàng trung ương với lãi suất ưu đãi rồi cho các công ty nhỏ hoặc tư nhân
vay lại với lãi suất cao, hay phần lớn các chính quyền địa phương không
khai đúng số nợ.
Kinh tế Trung Quốc dựa trên xuất khẩu nhưng xuất khẩu đã giảm hẳn từ
sau cuộc khủng hoảng 2008. Trong năm 2014 vừa qua, ngoại thương Trung
Quốc đã sụt 11% (xuất khẩu giảm 3,3%, nhập khẩu giảm 22%), dầu vậy tỷ lệ
tăng trưởng chính thức vẫn là 7,3%. Nhưng làm sao một nền kinh tế đặt
nền tảng trên xuất khẩu lại có thể tăng trưởng 7,3 % trong khi ngoại
thương suy sụp ?
Công ty tham vấn Lombard Street Research của Anh, vẫn sử dụng những
dữ kiện của chính quyền Trung Quốc nhưng tính lại một cách nghiêm chỉnh
hơn, cho biết tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc năm 2014 chỉ là 1,7%. Tuy
vậy ngay cả tỷ lệ tăng trưởng khiêm tốn này cũng không thể có vì dựa
trên những số liệu sai, thí dụ như các công ty sản xuất rồi bỏ vào kho
vì không bán được hàng nhưng vẫn kể vào sản xuất, và khi sản phẩm đã hư
hỏng cũng không khai v.v.
Một chỉ số đo lường lòng tin vào một nền kinh tế là chỉ số chứng
khoán. Cuối năm 2007 chỉ số chứng khoán SSE của Trung Quốc lên tới cao
điểm 6.000. Sau đó là cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008 làm tất cả các thị
trường chứng khoán trên thế giới đều suy sụp. Ngày nay hầu như tất cả
các chỉ số chứng khoán đều đã phục hồi được mức độ của năm 2007, các chỉ
số của Mỹ, Đức và Nhật còn vượt xa mức 2007, nhưng chỉ số SSE của Trung
Quốc vẫn chỉ quanh quẩn ở con số 4.000.
Lòng tin vào tương lai của kinh tế Trung Quốc còn thể hiện qua một
con số khác. Kết quả của một cuộc thăm dò của Hurun Research Institute
(Thượng Hải) và vừa được học giả David Shambaugh nhắc lại trên Wall
Street Journal cho thấy 64% các đại gia Trung Quốc đã hoặc đang chuẩn bị
di chuyển ra nước ngoài. Tư bản Trung Quốc đang tháo chạy. Một hiện
tượng khác mà Shambaugh cho biết là chính quyền Mỹ đang theo dõi sự kiện
rất nhiều phụ nữ Trung Quốc giầu có sang Mỹ sinh đẻ để con có quốc tịch
Mỹ. Nếu tương lai Trung Quốc tươi sáng tại sao những người được ưu đãi
nhất lại bỏ đi ?
Trong mọi tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài các doanh nhân Trung
Quốc không còn giấu giếm nữa. Họ nói thẳng là họ đang sản xuất với mức
lời rất thấp hoặc lỗ nhưng vẫn phải sản xuất theo kế hoạch.
Nhưng kế hoạch nào ? Từ năm 2008 trong khi mọi quốc gia cố gắng vùng
vẫy để ra khỏi cuộc khủng hoảng thì Trung Quốc đã có một chọn lựa khác
hẳn. Đó là coi như không có khủng hoảng và bơm tiền ồ ạt vào sinh hoạt
kinh tế, đẩy mạnh chi phí công cộng và ngành xây dựng để giữ nguyên mức
độ tăng trưởng, với hậu quả là số nợ công tăng gấp bốn lần, các kho hàng
của các công ty đầy ứ và rất nhiều thành phố ma xuất hiện tại rất nhiều
nơi. Khủng hoảng càng che giấu lâu bao nhiêu thì càng trầm trọng thêm
bấy nhiêu và bây giờ nó không còn giải pháp.
Năm 2013 khi mới lên cầm quyền, Tập Cận Bình ra lệnh giới hạn khối
lượng tiền tệ bằng cách tăng lãi suất và kiểm soát tín dụng. Ông đã phải
nhanh chóng từ bỏ biện pháp này -đúng trên nguyên tắc- trước nguy cơ
sụp đổ tức khắc ; không những thế, chính quyền Bắc Kinh còn phải bơm
tiền nhiều hơn nữa cho các ngân hàng và công ty. Sự kiện này chứng tỏ
kinh tế Trung Quốc không có thuốc chữa, sự sụp đổ chỉ còn là một vấn đề
thời gian. Thời gian đó có thể rất gần vì ngay cả biện pháp bơm tiền
cũng không còn hiệu quả nhất thời của nó nữa. Năm 2013 nhiều công ty
muốn vay tiền mà không được, hiện nay đại đa số các công ty từ chối vay
vì không biết dùng tiền để làm gì.
Một sự kiện khác cũng chứng tỏ kinh tế Trung Quốc không cứu vãn được.
Giải pháp tự nhiên khi mô hình hướng ngoại không còn theo đuổi được nữa
là tăng cường thị trường nội địa. Đó là điều Trung Quốc đã làm nhưng đã
chỉ khiến kinh tế Trung Quốc nguy ngập hơn. Từ năm 2010, Trung Quốc đã
liên tục tăng lương công nhân 10% mỗi năm với hy vọng là họ sẽ mua sắm
nhiều hơn, nhưng mức tiêu thụ nội địa không hề gia tăng vì người công
nhân Trung Quốc chỉ dùng khoản lợi tức mới có để tiết kiệm, phòng hờ khi
đau ốm. Tuy vậy biện pháp tăng lương công nhân này đã có tác dụng làm
tăng giá thành và khiến hàng hóa Trung Quốc khó bán trên các thị trường
thế giới. Sự sút giảm của xuất khẩu cũng do nguyên nhân này. Trung Quốc
hiện đã mất gần hết các thị trường tại Châu Âu.
Chừng nào kinh tế Trung Quốc sẽ thực sự sụp đổ ? Câu trả lời là : khi
chính quyền Bắc Kinh thú nhận. Nhưng họ có sẽ thú nhận không ? Hiện nay
niềm tin rằng kinh tế Trung Quốc “có sụp cũng còn lâu” chủ yếu là ở chỗ
Trung Quốc vẫn còn khoảng 2.000 tỷ USD công khố phiếu của Mỹ và 1.000
tỷ Euros công khố phiếu Châu Âu. Mặc dù số tiền này chẳng là bao so với
số nợ công của Trung Quốc -ít nhất 30.000 tỷ USD- nhưng nó đem lại ảo
tưởng là Trung Quốc vẫn còn giầu có vì vẫn còn tiền cho Mỹ và Châu Âu
vay. Bắc Kinh sẽ không đụng tới những số tiền này. Có nhiều triển vọng
là họ sẽ tiếp tục như hiện nay cho đến khi thực trạng suy sụp trở thành
hiển nhiên đối với mọi người.
Đất nước Trung Quốc đang bị hủy diệt
Nhưng kinh tế suy thoái không phải mối nguy lớn nhất của Trung Quốc.
Mối nguy lớn nhất là môi trường. Không khí tại các tỉnh phía Bắc ô nhiễm
tới mức không còn thở được nữa ; nước vừa rất thiếu vừa nhiễm độc.
Một nghiên cứu phối hợp của bốn trường đại học MIT (Mỹ), Avraham
Ebeinstein (Do Thái), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Thanh Hoa (Trung Quốc)
công bố tháng 7-2013 tiết lộ một sự kiện kinh khủng : tuổi thọ trung
bình của khối 500 triệu người dân các tỉnh phía Bắc đã giảm 5 năm rưỡi
trong thập niên 1990 chủ yếu vì môi trường ô nhiễm. Mùa hè 2007 trên
chuyến bay từ Tây An tới Côn Minh tôi đọc trên báo China Daily, tờ báo
tiếng Anh của chính quyền Trung Quốc, một nghiên cứu theo đó gần một nửa
số sông của Trung Quốc đã hết nước.
Tháng 3/2013, một nghiên cứu công phu -từ năm 2010 đến năm 2012- của
Bộ Thủy Nguồn và Viện Quốc Gia Thống Kê của chính quyền Bắc Kinh đưa ra
những con số chính xác một cách đáng sợ : Trung Quốc chỉ còn 22.909 con
sông, trên 28.000 con sông đã biến mất. Mỗi con sông còn lại phải đem
nước cho một diện tích khoảng 100 km vuông. Như vậy có nghĩa là từ 2007
đến 2012 tình trạng thiếu nước đã xấu đi nhiều thay vì được cải thiện.
Nghiên cứu này cũng cho thấy có 400 thành phố hiện chỉ dùng nước bơm từ
lòng đất lên. Kết luận của nghiên cứu này là thay vì gia tăng cung cấp
nước từ nay chính sách quốc gia phải chuyển sang khuyến khích dân chúng
tiết kiệm nước.
Tình trạng xuống cấp nguy ngập của môi trường chỉ một phần rất nhỏ do
thiên nhiên, phần rất lớn là do chính sách tăng trưởng kinh tế hoang
dại bất chấp môi trường. Cần lưu ý là bảo vệ thiên nhiên không phải là
ưu tư của văn hóa Trung Hoa và Việt Nam truyền thống, trái lại người ta
ca tụng những anh hùng có chí lớn “sẻ núi lấp sông”. Nó cũng hoàn toàn
vắng mặt trong chủ nghĩa cộng sản.
Vài năm trước tôi đọc một bài phóng sự trên báo Le Monde nói về một
con sông có cái tên ngộ nghĩnh là Nộ Giang, nghĩa là dòng sông giận dữ,
chảy từ Trung Quốc sang Myanmar. Lý do khiến người ta đặt tên như vậy là
vì nước sông chảy rất mạnh. Nhưng ngày nay con sông này còn có một lý
do chính đáng khác để nổi giận : nó trở thành nơi đổ rác chính thức của
các thị xã chung quanh. Chính quyền địa phương xây rất nhiều bệ bê tông
để các xe rác của các thị xã có thể đổ rác xuống sông một cách an toàn.
Mỗi ngày hàng trăm tấn rác đủ loại được dòng nước cuốn sang Myanmar và
trở thành một vấn đề của Myanmar.
Một xe đổ rác của sở rác thị xã đang đổ rác suống sông Nộ Giang
Năm 2007 tại Bắc Kinh tôi không nhìn thấy mặt trời dù biết nó ở ngay
trên đầu mình vì đang giữa trưa và trời rất nóng. Không khí đục ngầu vì
khói từ các nhà máy không xử lý khí thải. Tôi hỏi anh hướng dẫn viên từ
bao lâu rồi anh không còn nhìn thấy mặt trời nữa. Anh ta không nhớ.
Bầu trời Hoa Bắc
Năm 2000 lượng nước trung bình của mỗi người Trung Quốc chỉ bằng 15%
mức trung bình thế giới. Bây giờ tình trạng còn bi đát hơn nhiều. Tại
các tỉnh phía Tây trước đây phải đào sâu xuống 30m mới tìm được nguồn
nước, bây giờ phải đào xuống 100m, mặt đất cứng như bê tông. Đó là hậu
quả của việc trồng bông để xuất khẩu quần jean. Một đất nước trước hết
là đất và nước, khi đất đã cằn cỗi, không khí và nước đã ô nhiễm đến nỗi
không thở được và uống được thì cũng chẳng còn gì để nói. Đất nước
Trung Quốc đang bị hủy diệt. Đó là lý do chính khiến rất nhiều người
muốn rời Trung Quốc bằng mọi giá. Họ sợ chết.
Một chế độ tuyệt vọng
Mối nguy nghiêm trọng thứ hai, cũng nghiêm trọng hơn hẳn sự suy thoái
của kinh tế, là bế tắc chính trị. Các quan sát viên theo dõi tình hình
Trung Quốc đều đồng ý rằng đàng sau chiến dịch chống tham nhũng của Tập
Cận Bình là cố gắng tập trung quyền hành về trung ương và về tay ông.
Tham nhũng chỉ là lý cớ. Chính Tập Cận Bình cũng tham nhũng, nếu
không làm sao ông có thể có một tài sản trị giá trên 200 triệu USD ?
Không khác gì thủ tướng Ôn Gia Bảo trước đây tỏ ra rất quan tâm đến dân
nghèo để rồi người ta phát giác ra rằng ông có hơn 2 tỷ USD. Các phe
đảng của Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang chắc
chắn không khoanh tay chờ bị thanh toán. Chủ nghĩa Mác-Lenin đã bị lố
bịch hóa và không thể là xi măng gắn bó 85 triệu đảng viên cộng sản với
nhau nữa, chỉ còn lại sự tranh giành quyền lực và quyền lợi.
Các tỉnh cũng không thể chịu đựng mãi ách thống trị của trục Bắc Kinh
– Thượng Hải và sự chênh lệch giữa các vùng. Chưa kể là với sự sút giảm
bi thảm của nguồn nước một cuộc chiến tranh giành nước tương tự như ở
Trung Đông có thể diễn ra ; trên thực tế đã có xung đột giữa các tỉnh,
thậm chí giữa các huyện trong cùng một tỉnh, để tranh giành những con
sông vừa cạn vừa ô nhiễm.
Cần nhắc lại để nhấn mạnh rằng, Trung Quốc là một thiên hạ chứ không
phải là một nước, lòng yêu nước đối với một người Trung Quốc chủ yếu là
một tình cảm địa phương. Không cứ gì các sắc dân thiểu số, tuy cùng được
gọi là người Hán nhưng một người Hán ở Côn Minh hoàn toàn không nhìn
những người Hán ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải như những đồng bào. Quan hệ
giữa các tỉnh Trung Quốc còn lỏng lẻo hơn nhiều so với quan hệ giữa các
nước Châu Âu, đôi khi còn mang những thù hận chưa được hóa giải của quá
khứ.
Trong suốt dòng lịch sử dài của nó, sự thống nhất của Trung Quốc đã
chỉ được duy trì bằng bạo lực và tàn sát. Thí dụ như giữa thế kỷ 19 để
dẹp cuộc khởi nghĩa ly khai của Hồng Tú Toàn nhà Thanh đã tàn sát 70%
dân chúng các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và 90% dân chúng tỉnh
Quý Châu. Tinh thần dân tộc của người Trung Quốc hầu như không có. Chính
vì thế mà các nước rất nhỏ bé và chậm tiến như Mông Cổ và Mãn Châu đã
có thể thiết lập những ách thống trị lâu dài. Các triều đại Nguyên,
Thanh sau cùng đã cáo chung vì tham nhũng và lỗi thời chứ không phải vì
là những ách thống trị ngoại bang.
Bế tắc chính trị của chế độ cộng sản Trung Quốc cũng đã chứng tỏ
không có lối thoát. Khi mới lên cầm quyền Hồ Cẩm Đào đã muốn nới lỏng
dần dần những quyền con người cơ bản với hy vọng chuyển hóa dần dần về
dân chủ trong trật tự nhưng trong những năm cuối, nhất là từ năm 2011
trở đi, ông đã phải đảo ngược chính sách và gia tăng đàn áp. Năm 2013
Tập Cận Bình lên cầm quyền với một chủ trương rõ rệt : từ chối cải tổ
chính trị, tăng cường độc quyền của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và thanh
trừng mọi khuynh hướng ly tâm trong đảng. Tập Cận Bình thừa kế một Trung
Quốc tương tự như Liên Xô của Gorbachev cuối thập niên 1980. Gorbachev
đã thất bại khi cố làm những thay đổi cần thiết nhưng ít ra cũng đã
tránh cho Liên Xô một sự sụp đổ trong hỗn loạn. Tập Cận Bình trái lại từ
chối làm một việc phải làm. Hậu quả chắc chắn sẽ bi đát hơn.
Nhưng việc phải làm đó là gì ? Đó chính là sự chuyển hóa bắt buộc về
dân chủ. Các tiến bộ về giao thông và truyền thông đã thay đổi hẳn thế
giới, kể cả Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế trong ba thập niên qua cũng
đã cho người Trung Quốc thêm sức mạnh. Họ đã hiểu rằng con người phải có
những quyền căn bản, họ muốn và ngày càng có thêm khả năng để đòi hỏi
những quyền đó.
Nhưng vấn đề là Trung Quốc không thể tồn tại với lãnh thổ và dân số
hiện nay dưới một chế độ dân chủ vì các vùng của Trung Quốc quá khác
nhau và cũng không muốn chia sẻ một tương lai chung. Vấn đề cũng là chủ
nghĩa cộng sản, chất keo gắn bó các vùng với nhau, đã trở thành ghê tởm.
Trên trang Web http://www.ninecommentaries.com
do phong trào Thoái Đảng thiết lập từ tháng 11/2014 hàng ngày trên
50.000 người tuyên bố ly khai với Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Số người ly
khai hiện đã lên quá 200 triệu.
Lịch sử Trung Quốc nói chung là sự lặp lại của cùng một kịch bản, một
kịch bản chưa thay đổi vì thể chế chính trị vẫn còn là một thể chế tập
trung chuyên chính. Kịch bản đó như sau : một chính quyền được dựng lên
trong hoàn cảnh xã hội tan hoang và kiệt quệ ; chính quyền thành công
trong những năm đầu và xã hội dần dần hồi sinh ; xã hội càng hồi sinh
thì nhu cầu kiểm soát càng lớn và chính quyền càng cần tăng cường bộ máy
cai trị ; bộ máy quan liêu vì thế tiếp tục phình ra và sau cùng trở
thành mạnh hơn quyền lực chính trị ; kết quả là quyền lực chính trị suy
yếu dần và tích lũy mâu thuẫn, cuối cùng bị một lực lượng khác đánh đổ
sau một cuộc xung đột làm xã hội suy kiệt ; và kịch bản bắt đầu lại từ
số không. Kịch bản này hiện đã tới màn cuối dưới chế độ cộng sản. Tập
Cận Bình đang cố xiết lại để ngăn ngừa sự xuất hiện của một lực lượng
mới.
Khi Nguyễn Tấn Dũng lặp đi lặp lại là “nhất quyết không để nhem nhúm
những tổ chức đối lập”, ông ta chỉ nhắc lại một ám ảnh của quan thầy Bắc
Kinh.
Phải lo ngại cái gì ?
Chế độ cộng sản Trung Quốc còn trụ được bao lâu nữa ?
Như đã nói ở đầu bài này, đừng nên quên rằng Trung Quốc không phải là
một quốc gia mà là một thế giới, một thiên hạ hay một đế quốc tùy cách
nhìn, do đó sự thay đổi chế độ sẽ không nhanh chóng như trong một quốc
gia mà sẽ diễn ra một cách tương tự như sự tàn lụi của một đế quốc. Các
giai đoạn cuối trào của các đế quốc nói chung và của Trung Quốc nói
riêng thường kéo dài khá lâu. Tuy nhiên chúng ta đang sống trong một thế
giới thay đổi dồn dập. Các diễn biến có thể nhanh hơn rất nhiều.
Càng nhanh hơn vì một lý do khác. Chế độ cộng sản Trung Quốc tồn tại
từ sau cuộc thảm sát Thiên An Môn dựa trên hai hợp đồng bất thành văn
miễn cưỡng.
Hợp đồng thứ nhất là nhân dân chịu đựng chế độ toàn trị, và cả sự tàn
phá của môi trường, với điều kiện là Đảng Cộng Sản duy trì được một mức
tăng trưởng kinh tế cao. Ôn Gia Bảo tỏ ra đã hiểu thỏa hiệp này khi ông
nói rằng nếu mức tăng trưởng xuống dưới 8% thì sẽ có bạo loạn. Hợp đồng
này ngày nay đã chấm dứt vì kinh tế suy thoái.
Hợp đồng thứ hai là quần chúng Trung Quốc chịu đựng bất công xã hội
để cho một thiểu số làm giầu với thỏa hiệp ngầm là như thế họ sẽ có thêm
vốn để gia tăng đầu tư thúc đẩy kinh tế. Hợp đồng này đã bị phản bội
khi những người giầu có bỏ ra nước ngoài mang theo tài sản. Sự phẫn nộ
có thể bùng nổ rất dữ dội.
Có cần lo sợ sự sụp đổ của chế độ cộng sản và sự tan vỡ gần như chắc
chắn của Trung Quốc không ? Mối nguy thường được nói tới là chính quyền
Bắc Kinh có thể gây hấn với bên ngoài để kêu gọi đoàn kết dân tộc và làm
dịu những mâu thuẫn bên trong. Nhiều người đang lo âu trước việc Trung
Quốc xây những phi trường trên những đảo nhân tạo tại Biển Đông. Nhưng
sự lo ngại này không cần có. Nó là do cách nhìn Trung Quốc như một quốc
gia thay vì một đế quốc.
Thực tế cho thấy các đế quốc chỉ gây hấn trong những giai đoạn cường
thịnh, trái lại rất nhu nhược đối với bên ngoài trong những giai đoạn
cuối trào, để dồn sức đương đầu với những khó khăn bên trong. Trung Quốc
cũng không phải là ngoại lệ. Trong những lúc suy vi, các hoàng đế Trung
Quốc không những không xâm chiếm các biên quốc mà còn phải cống hiến
những quý phi, có khi cả những công chúa, cho các vua các nước nhỏ chung
quanh để cầu an. Chuyện Chiêu Quân cống Hồ chỉ là một trong rất nhiều
thí dụ. Việt Nam và thế giới sẽ không phải lo ngại một sự gây hấn nào.
Cũng không cần lo ngại cho người Trung Quốc. Trung Quốc có phân chia
thành bốn hay năm nước thì đó cũng vẫn là những nước lớn bậc nhất thế
giới, nhưng đồng điệu hơn và hợp lý hơn Trung Quốc hiện nay. Điều mà
chúng ta có thể chúc cho người Trung Quốc là những thay đổi cần thiết sẽ
diễn ra trong hòa bình.
Thiên triều sụp đổ
Câu hỏi bao giờ chế độ cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ không đặt ra,
hoặc đặt ra một cách rất khác, đối với chế độ cộng sản Việt Nam. Đối với
một chư hầu, một đế quốc coi như đã sụp đổ khi không còn là một chỗ dựa
nữa.
Đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam, chế độ cộng sản Trung Quốc coi như đã
sụp đổ. Nó đang quá bối rối với những khó khăn nội bộ để có thể hỗ trợ
cho chế độ cộng sản Việt Nam. Bắc Kinh lo cho mình cũng chưa xong còn
mong gì giúp được ai. Họ sẽ phải buông Việt Nam và Triều Tiên dù không
muốn như Liên Xô đã từng phải buông Đông Âu trước đây. Nhưng chế độ cộng
sản Việt Nam lại rất cần bám lấy Trung Quốc.
Trong cuộc tiếp xúc ngày 26/6/2014 tại Sài Gòn, ông chủ tịch nước
Trương Tấn Sang đã không cải chính lời phát biểu của chuẩn đô đốc Lê Kế
Lâm, theo đó Trung Quốc thỏa thuận viện trợ cho Việt Nam 20 tỷ USD và
cho vay 100 tỷ USD. Chế độ cộng sản Việt Nam rất cần yểm trợ tài chính
này bởi vì do hậu quả của bất tài và tham nhũng kinh tế Việt Nam thực ra
đang ở trong tình trạng phá sản.
Theo phát biểu của chính ông Trương Tấn Sang tháng 11/2014 tại quốc
hội thì tình trạng kinh tế Việt Nam “rất không thoải mái”. Ba phần tư số
thu ngân sách (khoảng 30 tỷ USD năm 2014, giảm nhiều so với năm 2013)
được dùng để trả lương, phần còn lại không đủ để trả nợ. Nói gì tới
những chi tiêu tối cần thiết khác.
Một điều cần được nhìn thật rõ là Đảng Cộng Sản Việt Nam chưa bao giờ
là một đảng tự lập. Nó luôn luôn dựa vào một thế lực bên ngoài nào đó.
Ra đời như một phân bộ của Đệ Tam Quốc Tế, nó đã tranh đấu, rồi cầm
quyền, với sự bảo trợ của Liên Xô hoặc Trung Quốc, hoặc cả Liên Xô lẫn
Trung Quốc. Giữa thập niên 1980 khi Liên Xô suy yếu và không còn bảo trợ
được nữa, nó đã vội vã bỏ ngay lập trường thù địch để xin được phục
tùng Trung Quốc. Trái với một nhận định hời hợt không phải Bắc Kinh cố
thu phục Hà Nội mà chính Hà Nội đã cầu khẩn và làm tất cả để được lệ
thuộc Trung Quốc. Trong mấy năm gần đây khi Liên Bang Nga có vẻ mạnh lên
ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam cũng đã cố gắng tranh thủ sự hỗ trợ từ
Nga. Văn hóa của Đảng Cộng Sản Việt Nam là một văn hóa chư hầu.
Tất cả những tính toán và kỳ vọng của họ đều đã hoặc đang sụp đổ.
Nước Nga của Putin đã bại sụi sau cuộc phiêu lưu Ukraine. Đến lượt Trung
Quốc cũng chao đảo và sắp sụp đổ. Rất có thể là chính Bắc Kinh đã nói
với Hà Nội là hãy tìm những nguồn hỗ trợ khác vì họ không còn khả năng
giúp đỡ ai cả. Điều đó có thể giải thích những chuyến công du Hoa Kỳ dồn
dập của các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam gần đây, kể cả chuyến đi sắp
tới của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những chuyến thăm viếng này đều
do sáng kiến của Hà Nội.
Lịch sử không phải chỉ sắp sang trang mà đang sang trang. Mọi người
Việt Nam đều phải sáng suốt để tránh những ngộ nhận tai hại. Những thành
viên bộ chính trị và ban bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể thù ghét
nhau vì tranh giành quyền lực và quyền lợi, nhưng họ đều hoàn toàn đồng ý
với nhau là phải dựa vào Trung Quốc để duy trì chế độ độc tài toàn trị.
Tất cả đều chống dân chủ. Tất cả đều đồng ý rằng “đi với Tầu thì mất
nước, đi với Mỹ thì mất đảng” và tất cả đều đồng ý chẳng thà mất nước
chứ không mất đảng. Không có một ngoại lệ nào cả.
Nhưng bây giờ họ không còn chọn lựa nào khác là đi với Mỹ (“Mỹ” phải
được hiểu là các nước dân chủ) vì họ không dựa vào Trung Quốc được nữa.
Chiến lược của họ trong lúc này chỉ là cố kéo dài thời gian hấp hối của
chế độ và làm mất thêm thời giờ của nước ta trong cuộc chạy đua về tương
lai, dù chúng ta đã mất quá nhiều thời giờ và đã quá chậm trễ. Chúng ta
không được quyền có một ngộ nhận nào cả.
Mọi ưu tư của chúng ta phải dồn vào cố gắng để đất nước bước vào kỷ
nguyên dân chủ một cách nhanh chóng nhất trong tinh thần hòa giải và hòa
hợp dân tộc để chúng ta có thể lập tức cùng nắm tay nhau chinh phục
tương lai.
Nguyễn Gia KiểngNguồn : thanhnientudo.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét