Mai Thanh Hải - Đến Pleiku (Gia Lai) đúng mấy ngày mưa nên đến đâu cũng mịt mù sương mây và ướt lướt thướt, đúng chất "Phố núi cao phố núi đầy sương", chẳng thăm thú được chỗ này chỗ khác, mang tính chất cao nguyên.
Thấy mình thở dài thườn thượt, bác Văn Công Hùng mách: "Thôi thì ra công viên Đồng Xanh mà xem mấy cái thứ na ná Tây Nguyên" khiến mình à nhớ ra cái khu vui chơi tổng hợp nằm ở xã An Phú, cách Pleiku khoảng 10 km, trên đường xuống Quy Nhơn - Bình Định.
Công viên này của Cty Cổ phần Gia Lai CTC và được giới thiệu trên website rất hoành tráng, đại loại:
"Nguyên là khu đất cằn cỗi và là sân phơi Hợp tác xã An Phú, công viên được đầu tư xây dựng từ năm 1998 với diện tích 14 ha. Qua nhiều năm vừa đầu tư xây dựng vừa khai thác kinh doanh, đến nay công viên là công trình mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc Tây Nguyên. Hàng năm tiếp đón hàng trăm ngàn du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí. Công viên gồm nhiều khu vực: khu văn hóa tâm linh, khu văn hóa các dân tộc thiểu số, khu vườn thú mi ni, khu vui chơi giải trí thiếu nhi, khu dịch vụ ẩm thực nhà hàng tiệc cưới…"
Đặc biệt, việc giới thiệu rất nhấn mạnh đến: "Khu Văn hóa tâm linh nơi có Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương được xây theo kiến trúc truyền thống với mái nhà Rông cách điệu cao 18m. Trong điện thờ, tượng Vua Hùng cao 6m, nặng gần 3 tấn gỗ mít sơn son thiếp vàng, kiến trúc văn hóa Việt bố trí sắp đặt hài hòa được thực hiện bởi các nghệ nhân từ thủ đô Hà Nội. Trước điện thờ là tượng 18 Vua Hùng uy nghi. Cạnh đó, chùa Một Cột -“Tây Thiên Nhất Trụ” được xây dựng theo đúng nguyên mẫu của Chùa Một Cột Hà Nội gợi nhớ về kiến trúc tâm linh thiêng liêng bậc nhất của Thủ đô. Xung quanh quần thể văn hóa Việt còn có lầu Thần tài, tượng Phật Quan Âm cứu khổ, cứu nạn, cổng Tam Quan bằng đá Ninh Bình; các loại cây quý được bố trí hài hòa, tạo ấn tượng và sự trân trọng đối với du khách khi đến nơi này"...
Mình lọ mọ mua vé 20.000 VND vào thăm Công viên Đồng Xanh vắng ngắt cũ kỹ xuống cấp và dĩ nhiên phải tìm đến Khu Văn hóa tâm linh để tìm đến Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương.
Sẽ không có gì đáng nói, nếu dưới đế chân tượng 18 Vua Hùng không có những tấm bảng chú thích rành mạch về tên, húy, số tuổi, số năm làm vua, số vợ con cháu chắt...
Mọi lời bình, xin dành cho người đọc.
Mình chỉ nói rằng: Việc đưa số liệu (dù mãi khi xem hết các chú thích, phải thật chú ý mới phát hiện tấm biển "Ghi chú" quay ngược phía sau như đánh đố du khách "Những số liệu về tên, húy, tuổi, số vợ, con, cháu của 18 Vua Hùng ghi chú trước bức tượng được trích từ nguồn tài liệu Giới thiệu Khu di tích lịch sử Đền Hùng của tác giả Vũ Kim Biên nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn do Sở Văn hóa thông tin Phú Thọ xuất bản 2006") cho dù có trích từ nguồn nào, cũng nên giải thích cặn kẽ, kẻo sự đánh đồng huyền thoại sự tích và đời thực, không chỉ gây thắc mắc khó chịu mà còn tạo tác dụng ngược, rất phản cảm với không chỉ du khách nước ngoài, mà ngay với người Việt.
Người xem, khó có thể tin một người sống được vài trăm năm, thậm chí gần 1.000 năm, cho dù đó là vua cháu ngày xưa và cho dù những lời chú thích này được ghi rành mạch bằng tiếng Việt, trong công viên "chính thống", chứ không phải công viên nhà của những người... "khác người" tự lập lên.
Người xem không dám trách các nhân vật trong lịch sử bởi huyền thoại thì luôn là huyền thoại, sự nghiên cứu - sưu tầm có chăng cũng chỉ gói gọn lại trong cứ liệu lịch sử.
Và người xem, chỉ biết lắc đầu: "Lạy con cháu Vua Hùng", khi đọc những dòng ghi chú sưu tầm từ huyền thoại, được ghi rành mạch giữa thanh thiên bạch nhật, ở ngay nơi đang phấn đấu "đến năm 2015 khi xây dựng hoàn chỉnh đây sẽ là một công viên hiện đại, hấp dẫn bậc nhất của khu vực", mà thôi..
Thờ phụng Vua Hùng là điều rất đáng làm, không thể phủ nhận được. Nhưng thờ phụng kèm những chú thích không cần thiết, gây sự hoài nghi - phản tác dụng như ở Công viên Đồng Xanh Gia Lai như thế này, thì có khi cả nước có duy nhất ở TP Pleiku, nên mình cũng đành: "Xin lạy con cháu Vua Hùng!"..
-----------------------------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét