Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

VIỆT NAM -HOA KỲ VÀ SỰ DỊCH CHUYỂN QUYỀN LỰC Á CHÂU

 - Tháng 7 năm 2015, cuộc can thiệp của Hoa Kỳ tại Apghanistan bước sang năm thứ 15. Phần lớn quân đội Mỹ đã rút đi nhưng sự tồn tại của chính quyền do Mỹ và đồng minh dựng lên vẫn rất bấp bênh. Taliban có xu hướng trỗi dậy và sự khống chế của Mỹ đối với đất nước này ngày một giảm, kèm với đó là dấu hiệu hỗn loạn có chiều hướng lan tràn. Dù cuộc can thiệp của Mỹ ở Apghanistan được ghi mốc son với cái chết của Osama Binladen, nhưng khó có thể nói Mỹ gặt được lợi ích thực tiễn gì sau cuộc can thiệp tốn kém này.
- Sau 24 năm kể từ khi chiến dịch Bão táp sa mạc do tổng thống George H. Bush khởi xướng, nước Mỹ lần lượt tiến hành nhiều cuộc chiến tranh lớn tại Iraq cho tới khi chính quyền Saddam Hussein bị đánh bại hoàn toàn. Dấu ấn của Mỹ đối với cuộc chiến này được coi là thắng lợi với hình phạt tử hình dành cho Saddam và khoản chiến phí nhiều nghìn tỷ đổ vào đất nước Trung đông. Sau các biến cố thời cuộc, quân đội Mỹ rút hết về nước, để lại một Iraq trong loạn lạc và hoang tàn.
- Mùa xuân Ả rập bắt nguồn từ một phong trào đường phố năm 2011, do nhiều yếu tố xã hội, nhanh chóng trở thành một làn sóng quét qua hàng loạt quốc gia:Tunisia, Ai Cập, Yemen, Algeria, Jordan, Bahrain, Iran, Libya và nhiều nước khác. Lấy cảm hứng từ ước muốn thay đổi xã hội và ảnh hưởng từ các nước phương Tây, nhưng hầu hết các phong trào cách mạng này đều nhanh chóng thoái hóa dưới sự chi phối của các thế lực hồi giáo cực đoan. Đỉnh điểm của những cuộc cách mạng màu này là sự sụp đổ của tổng thống Ai cập Mumbarak và đặc biệt là cái chết của nhà độc tài Gaddafi của Libya khi đang chạy trốn. Sự kiểm soát của Mỹ đối với khu vực trở lên bấp bênh sau khi nhiều chính phủ do Mỹ tiếp sức trong nhiều năm nối nhau sụp đổ. Chính sách và cách tiếp cận của Mỹ đối với các chính phủ độc tài trên thế giới về sau này chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các cuộc cách mạng màu. Bài học rút ra về sau là thà đối thoại với một tay độc tài đốn mạt, còn hơn là đối mặt với một đám đông bạo loạn, mất kiểm soát và thường xuyên bị sâu xé bởi các làn sóng cực đoan. Cuộc cách mạng màu tại Trung cận đông cũng đánh dấu sự ra đời của một hiểm họa mới đối với thế giới: Hồi giáo cực đoan trỗi dậy trong sự suy yếu chính quyền của nhiều quốc gia trong hỗn loạn. Ảnh hưởng của nó đến thế giới là rất sâu sắc và đe dọa tới trật tự mới của thế giới trong ngưỡng cửa của năm 2015.
- Bốn năm trôi qua kể từ ngày 26/01/2011 tại Syria, đất nước này chìm vào làn sóng chiến tranh và bạo lực dưới sự tác động của ba thế lực: Mỹ và phương tây với các lợi ích trong khu vực, hậu thuẫn cho một lực lượng đối lập thường xuyên mâu thuẫn. Ở một phía khác là Nga và Iran, tìm mọi cách duy trì chính phủ độc tài thân thiện với họ do tổng thống Bashar Al_Assad đứng đầu. Và lực lượng còn lại là các thế lực hồi giáo cực đoan. Sự can thiệp của Mỹ tại Syria ít mạnh mẽ do sự can dự của Nga, cũng chính lò lửa này là tiền đề cho sự ra đời của nhà nước Hồi giáo cực đoan IS khét tiếng.
- Năm 2014 đánh dấu sự trở lại đầy hung hãn của nước Nga khi lần đầu tiên kể từ sau thế chiến thứ hai, đất nước này mở rộng lãnh thổ bằng việc sát nhập một lãnh thổ thuộc chủ quyền của nước khác sau một loạt biến cố chính trị và ngoại giao. Cuộc thôn tính của nước Nga ở Crimea được coi là một chiến dịch đặc biệt thành công về mặt chiến thuật, nhưng những hậu quả của nó đối với thế giới là rất lâu dài. Nước Nga có nhiều lý do để biện hộ cho mình khi quả thực họ bị Mỹ và phương tây chèn ép trong nhiều năm, với việc liên tục mở rộng biên giới Nato sang phía đông. Diễn biến tại Ucraine là một lò lửa hoang tàn, nền kinh tế hầu như bị hủy diệt. Đây là một minh chứng cho thấy sự thất bại của cả Nga và Phương tây trong việc tìm kiếm một sự phân bổ thế lực hòa bình. Nga xâm lược thành công Crimea nhưng rơi vào trạng thái cô lập và buộc phải quay sang bắt tay với mối họa tiềm ẩn lớn nhất của nó là Trung Quốc. Mỹ và phương tây thành công khi cô lập Nga và đẩy quốc gia này vào trạng thái khó khăn, nhưng gặp thất bại chiến lược khi đẩy Nga về phía Trung Quốc. Trên thực tế, đây là một kết quả thua thiệt đối với cả hai thế lực lớn thời hậu chiến tranh lạnh, duy nhất hưởng lợi chính là Trung Quốc. Hậu quả của nó đối với thế giới là rất lâu dài, cuộc xâm lược thành công không tiếng súng của Nga đã tạo cảm hứng cho Trung Quốc tại Hoa Đông và đặc biệt là Biển Đông. Bước tiến của Trung Quốc trở lên ngày một mạnh mẽ và cương quyết trong tham vọng thôn tính lãnh thổ và lãnh hải của các quốc gia yếu hơn lân cận.
- Cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp năm 2015 đã đến lúc bùng phát và hầu như vô phương cứu chữa. Sự quản lý yếu kém trong nhiều năm và việc vay mượn chi tiêu vô tội vạ đã khiến chỉnh phủ nước này phá sản, và lối thoát duy nhất là trông chờ vào sự cứu giúp của các nước thuộc Euro zone, vốn có sự kiên nhẫn đã gần về 0 khi không nhìn thấy một sự cải thiện nào tại Hy Lạp sau các gói giải cứu khổng lồ tốn kém tới hơn 300 tỷ euro. Việc Hy lạp được cứu hay buộc phải rời bỏ EU cũng hầu như chỉ dẫn tới một kết quả giống nhau: Cộng đồng kinh tế chung châu Âu bước vào một thời kỳ mới đầy khó khăn và chia rẽ. Với tư cách là một cộng đồng kinh tế lớn, văn minh và phát triển bậc nhất thế giới, sự suy yếu của khối này sẽ tạo nhiều khoảng trống quyền lực cho các thế lực khác đang vươn lên. Đây là một tin tốt đối với nước Nga hay Trung Quốc và là một tin buồn đối với nước Mỹ khi xét tới sức mạnh trong tương quan so sánh của các đồng minh.
- Năm 2014, theo một số thống kê bằng chỉ số sức mua tương đương PPP, Trung Quốc được cho là đã vượt Mỹ về mặt quy mô của nền kinh tế. Có nhiều tranh cãi về tính thực tế của cách tính ngày, nhưng việc nước Mỹ bị Trung Quốc bám đuổi sát nút đã là một thực tế không thế phủ nhận. Dù được dự báo sẽ lâm vào một thời kỳ trì trệ với nhiều bất ổn, nhưng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vẫn cao hơn Mỹ xét trên mọi khía cạnh. Sự xâm nhập kinh tế của Trung Quốc đối với thế giới đã trở thành một điều không thể ngăn chặn. Thặng dư kinh tế giúp Trung Quốc có nhiều nguồn lực đầu tư mạnh mẽ vào năng lực chiến tranh. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng liên tục nhiều con số trong nhiều năm, vượt nhiều lần tốc độ tăng trưởng GDP. Sự đe dọa của Trung Quốc với Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ, Philipin và nhiều quốc gia giáp giới của nó cũng ngày một mạnh mẽ hơn. Trong năm 2014, chiến hạm Trung Quốc ngày một vươn xa trên các đại dương, cùng với các đòi hỏi ngày một tham vọng hơn về lãnh thổ và lãnh hải.
Những xu thế liệt kê ở trên chính là những yếu tố khởi đầu cho một bức tranh mới về trật tự thế giới hiện đại. Cùng với sự suy yếu của quyền lực Mỹ sau nhiều ngày tháng huy hoàng, nhiều chiến lược gia của phương tây đang tự hỏi: Điều gì đang diễn ra, và vì đâu mà với nhiều lợi thế đạt được sau khi kết thúc chiến tranh lạnh những năm 1990, phương tây nhanh chóng suy yếu và bước sang sườn dốc phía bên kia của quyền lực?
Khởi đầu của bức tranh này, cần phải nhìn nhận lại những năm tháng mà Brzezinsky và Henry Kissinger còn làm mưa làm gió trên chính trường Hoa Kỳ những năm 80 của thế kỷ trước. Cố vấn an ninh quốc gia Brezinsky được coi là tác giả của bức tường cô lập Liên Xô khiến siêu cường khét tiếng một thời cuối cùng gục ngã vì những khó khăn đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Nhưng cũng chính Brzezinsky và Kissinger đã khởi đầu cho một xu thế sai lầm của phương tây trong nhiều thập niên: Cùng với việc cô lập Liên Xô, Mỹ và phần còn lại của thế giới chìa tay gần như vô điều kiện với Trung Quốc, tặng cho quốc gia này một làn sóng hậu thuẫn về vốn và công nghệ vượt bậc và những cơ hội thâm nhập thị trường với rất ít ràng buộc. Trong con mắt của các chiến lược gia phương Tây thời bấy giờ, lôi kéo Trung Quốc là cách hiệu quả nhất để cô lập Liên Xô. Họ đúng vào thời đại của mình, nhưng quên mất các giải pháp phòng ngừa khi khởi đầu cho việc tạo ra một đối thủ rồi còn nguy hiểm hơn cả Liên Xô. Hiểu biết sai lầm của thế giới phương Tây về bản chất của Trung Quốc khiến thế giới nhiều năm sau đối mặt với một thế lực hiếu chiến và đầy đe dọa. Mỹ, Nhật và Châu Âu phạm sai lầm khi nhận định một Trung Quốc phát triển hơn sẽ nhanh chóng hòa nhập vào thế giới văn minh và trở lên văn minh hơn thay vì man rợ như dưới thời Mao Trạch Đông. Họ chỉ đúng ở duy nhất một khía cạnh. Sau thông cáo Thượng Hải của Chu Ân Lai năm 1972, Trung Quốc chớp lấy thời cơ tái hòa nhập với thế giới và nhanh chóng vươn lên. Hơn 30 năm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc luôn dẫn đầu thế giới và đạt mức hai con số. Trung Quốc xâm nhập sâu sắc vào hệ thống sản xuất và thương mại toàn cầu, được coi là công xưởng của thế giới và đạt được những khoản thặng dư khổng lồ từ xuất khẩu. Nhưng trái với mong muốn của phương Tây, Trung Quốc ngày một phát triển hơn nhưng nó không văn minh hơn, ngược lại, nó trở lên ngày một dã man và hung hăng, tỷ lệ thuận với sự bành trướng sức mạnh về kinh tế và quân sự. Nguyên nhân bản chất của vấn đề, xuất phát từ nhận định sai lầm của phương tây, khi hầu hết đều trở lên văn minh hơn khi đạt được trình độ phát triển cao về kinh tế. Trong suốt 50 năm qua, triết lý phát triển của Trung Quốc là kẻ mạnh làm vua, người Trung Quốc bằng mọi cách làm giàu, chà đạp lên nhau và chà đạp lên các dân tộc khác để đạt được mục đích. Triết lý này được hậu thuẫn ở tầm quốc gia với lý thuyết mèo đen mèo trắng của Đặng Tiểu Bình. Đặng chỉ cần tiền, bất kể người Trung Quốc làm gì để có tiền đều được khuyến khích. Người Trung Quốc lao vào sản xuất mọi thứ, bán mọi thứ, sao chép mọi thứ, ăn cắp mọi thứ bất chấp hậu quả môi trường, bất chấp việc gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng và thậm chí cả người sản xuất, bất chấp việc vi phạm luật pháp. Nói cách khác, với triết lý kẻ mạnh làm vua, mọi thứ luật lệ đều không có ý nghĩa với người Trung Quốc, hay luật lệ chỉ được diễn giải theo cách thức sao cho có lợi với họ. Càng phát triển, xã hội Trung Quốc càng trở lên hoang dã và kém văn minh. Thay vì hòa bình, sự hung hãn của Trung Quốc tăng dần theo thời gian. Năm 2015, Trung Quốc xuất hiện trước thế giới với một sức mạnh kinh tế đáng sợ và lực lượng quân sự đầy đe dọa. Trung Quốc diễn giải mọi thứ luật pháp quốc tế dưới một góc nhìn của riêng họ để tuyên bố chủ quyền với hầu hết biển Đông, biển Hoa Đông, khu vực Akai Chin ở phía đông Hymalaya. Bằng sức mạnh ngày một được củng cố về kinh tế và quốc phòng, Trung Quốc tiến những bước đầy quyết đoán trong dã thâm xâm lược lãnh thổ. Chiến hạm Trung quốc ngày một vươn xa hơn trên các đại dương. Đầu năm 2015, Trung Quốc mở đầu cho một thời kỳ xâm lược trên thực tế bằng việc bồi lấp 7 đảo tại quần đảo Trường Sa thuộc biển Đông, mở đầu cho một thời kỳ đầy bất ổn đối với chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á và sự an toàn của dòng chảy thương mại thế giới.
Đã quá muộn với nước Mỹ để đắp một con đê cô lập Trung Quốc như những gì họ đã làm với Liên Xô. Trong bối cảnh lao tâm tổn lực vì những cuộc can thiệp tốn kém liên miên trải dài từ Trung Đông sang đến Tây Á, Mỹ và đồng minh gần như kiệt quệ. Để tái vãn hồi quyền lực toàn cầu, Mỹ tìm cách củng cố các liên minh cũ và tìm kiếm thêm những đồng minh mới. Ý tưởng xoay trục sang phía Đông được hình thành từ một tuyên bố khởi đầu của ngoại trưởng Hilary Clinton dần được định hình, củng cố và giờ đây trở thành một quốc sách chiến lược. Người ta bắt đầu nhắc đến hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương, với sự góp mặt của Mỹ, Nhật Bản, Australia và nhiều quốc gia thuộc vành đai khu vực kinh tế đầy tiềm năng này. Bên cạnh việc tạo lập một sân chơi mới với sự góp mặt của những quốc gia năng động và đầy tiềm năng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, mục đích chính của liên minh kinh tế mới này là tạo sự liên kết của một vành đai kinh tế các nước giáp giới Trung Quốc và nước Mỹ, nhằm củng cố cơ hội phát triển của các nước này và tạo tiền đề cho sự gắn kết mạnh mẽ hơn về an ninh quốc phòng, điều rồi sẽ diễn ra như một tất yếu khi mối liên hệ kinh tế ngày một tăng cường. Tất nhiên, hiệp định đối tác TPP, với sự góp mặt dự kiến của 12 quốc gia, chiếm 40% GDP và dân số toàn cầu, nói không với Trung Quốc. Dù có một vài ý kiến đâu đó bàn luận về việc để ngỏ sự tham gia của Trung Quốc vào TPP, nhưng TPP sẽ không còn là TPP nếu có mặt Trung Quốc.
Vượt qua nhiều lực cản, thỏa ước thương mại mang tính lịch sử với quyền lợi của Mỹ và nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam ngày một rõ nét và định hình. Có thể nói, TPP chính là hợp phần trọng yếu của bức tranh phân bổ quyền lực kinh tế và chính trị thế giới trong thế kỷ 21. Quan trọng với Mỹ, Nhật Bản, Australia, Việt Nam, Malaysia và tất cả các nước thành viên.
Trong bối cảnh đó, ngày 06 tháng 07 năm 2015, Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm chính thức nước Mỹ theo lời mời của Tổng thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ Barack Obama, ghi một dấu ấn mới trong lịch sử quan hệ hai nước vốn từng là cựu thù và có cuộc chiến kéo dài tới 20 năm trong quá khứ. Đây là một ninh chứng rõ nét nhất cho thấy yếu tố lớn nhất và quan trọng nhất chi phối quan hệ giữa các quốc gia, trong đó lợi ích mỗi nước luôn là tối thượng và sự tương đồng lợi ích quốc gia sẽ giúp san bằng mọi khoảng cách, quá khứ và khác biệt.
Trong tuyên bố chung công khai được ông Trọng và ông Obama loan báo sau hội nghị, một tuyên bố được phát sóng trực tiếp trên nhiều kênh truyền thông quốc tế, hầu hết các nội dung đều không nằm ngoài dự đoán từ trước. Nói cách khác, đây là một cuộc viếng thăm ngoại giao được lên kế hoạch chu đáo từ cả hai phía với các nội dung đã được bàn thảo và thống nhất từ lâu. Ý nghĩa lớn nhất của nó, là thông điệp từ tính biểu tượng của sự kiện này. Và điều này, rồi sẽ quay trở lại tác động đến tình hình nội tại của Việt nam cũng như Hoa Kỳ trong giai đoạn sắp tới.
Trong phần tuyên bố của mình, ông Obama một mặt nhấn mạnh vào các đòi hỏi nhân quyền, vốn là một hợp phần tất yếu của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, nhưng phần quan trọng hơn cả trong bài phát biểu của ông Obama, là sự hợp tác kinh tế tương lai với nền tảng của TPP và các chính sách an ninh khu vực. Điều quan trọng hơn cả mà ông Obama không tuyên bố công khai nhưng được thể hiện bằng hành động thực tế: Với việc mời ông Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc thăm viếng ngoại giao chính thức, Mỹ gửi thông điệp về sự thừa nhận và tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, điều mà rồi đây sẽ có tác động sâu sắc đến chính sách đối ngoại của Việt Nam, vốn trước giờ luôn bị chia rẽ giữa hai làn sóng thân phương Tây hay Trung Quốc. Đây là một nước cờ mạo hiểm của ông Obama, nhưng nước Mỹ hầu như không phải trả giá mà chỉ cần chờ kết quả.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một ẩn số bất ngờ trong chuyến viếng thăm này. Vốn được coi là một người giáo điều và cực kỳ bảo thủ, đại diện cho xu hướng bảo tồn sự tồn tại của Đảng Cộng Sản trong hệ thống chính trị Việt Nam, vốn đã từ lâu mất đi nền tảng tư tưởng mà chỉ còn lại bộ khung cai trị dựa trên quyền lực độc tài, tuy nhiên thông điệp mà ông Trọng gửi ra thế giới trong bài tuyên bố sau cuộc gặp lại là một lối tư duy gợi mở. Giống như Obama, ông Trọng nhấn mạnh vào sự hợp tác tương lai với nòng cốt là TPP. Điều đặc biệt hơn, ông công khai thừa nhận những quan ngại của Mỹ về nhân quyền và có một thái độ gợi mở về những thay đổi cả về pháp lý và chính sách, để đáp ứng các đòi hỏi của TPP, điều tất yếu sẽ dẫn tới sự cải thiện nhân quyền thông qua các chính sách cải thiện đời sống của người lao động. Với một lối trình bày tự tin bên cạnh Obama, sự chuẩn bị trước đầy chu đáo kỹ càng, ông Trọng phát ngôn mà không cần nhìn giấy, cho thấy sự tự tin của người đứng đầu hệ thống chính trị trong một sự kiện ngoại giao có tính quan trọng sống còn. Có thể nói, màn trình diễn của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại nhà trắng ngày 07/07/2015 gần như hoàn hảo đối với ông, khác hẳn các màn trình diễn yếu kém khi phát ngôn về nhiều vấn đề trong nước và bị chỉ trích trên các trang mạng xã hội.
Trong những ngày tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Hơn bất cứ ai, Barack Obama muốn ghi dấu ấn trong lịch sử nước Mỹ để khời đầu cho một trật tự thế giới mới mà Mỹ vẫn giữ được vai trò của nó. Ông ta sẽ bằng mọi giá thúc đẩy tiến trình của hiệp định TPP, thiết lập bộ khung cho các thỏa ước kinh tế và an ninh của Mỹ với các đối tác mới và cũ. Mục đích của Obama khá rõ ràng, trật tự mới cần được thiết lập để chặn bước các tham vọng lãnh thổ đầy dã tâm của Trung Quốc, ngăn chặn đà ảnh hưởng của nó, để rồi hoặc Trung Quốc sẽ phải sụp đổ bởi những vấn đề nội tại, hoặc quốc gia này sẽ phải thay đổi trong hòa bình thay vì việc thúc đẩy dã tâm bành trướng. Quyền lợi của Mỹ trong bối cảnh đó là khá rõ nét, khi chắc chắn về lâu về dài, với ưu thế vượt trội của nền văn minh, Mỹ sẽ vẫn giữ vị thế dẫn đầu. Vấn đề của nước Mỹ và Obama, là tạo ra một trật tự mới có đủ sức mạnh để bắt Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ở phía bên kia, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đang trong những ngày tháng nắm quyền cuối cùng với vai trò đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam. Ông có một nhiệm kỳ gây tranh cãi với nhiều phát ngôn có tính giáo điều, và cuộc chiến không cân sức với đồng chí X (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng). Tuy nhiên, giống như một điều lạ lùng trong hệ thống chính trị Việt Nam, sự thay đổi đôi khi lại được hậu thuẫn từ những cái tên được cho là bảo thủ nhất. Tổng bí thư Lê Duẩn từng được coi là một tay độc tài và thủ đoạn khét tiếng, nhưng cũng chính ông ta, những năm cuối đời lại ủng hộ mạnh mẽ cho các bước đi đột phá của Bí thư thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành, người sau này thành phó thủ tướng và là một nhân vật quan trọng giúp định hướng chính sách đổi mới dưới thời Nguyễn Văn Linh. Với những gì đã thể hiện trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, ông Trọng gỡ gạc rất nhiều hình ảnh trong con mắt của 90 triệu người Việt Nam, vốn giành sự quan tâm theo dõi chuyến đi một cách rất đặc biệt. Có nhiều ý kiến cho rằng sẽ không có nhiều biến chuyển đột phá sau chuyến đi bởi chất liệu của hàng ngũ lãnh đạo ở Việt Nam vẫn hầu như không thay đổi. Anh Lãng nhìn nhận vấn đề dưới một góc độ tích cực hơn, khi ghi nhận rằng, sự chuyển dịch của dòng quyền lực Á Châu đang diễn ra dưới sự tác động của hiệp ước đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương, chảy xuôi qua hệ thống chính trị Việt Nam, và dẫn tới sự thay đổi lặng lẽ nhưng chắc chắn của cả một hệ thống.
Chất xúc tác quan trọng nhất cho sự dịch chuyển của dòng chảy quyền lực này, đối với Mỹ, là sự vươn lên đầy đe dọa của Trung Quốc trong tham vọng thâu tóm vùng ảnh hưởng. Là một quyền lực toàn cầu, nước Mỹ hiểu ý nghĩa và giá trị của việc duy trì được ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong một khía cạnh có tính khác biệt lớn hơn, chất xúc tác cho sự dịch chuyển dòng chảy quyền lực Á Châu xuyên qua Việt Nam, lại là mối đe dọa có tính sinh tồn: Độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Dù là một thể chế độc tài, nhưng sự cai trị của ĐCS ở Việt Nam được xây dựng từ nền tảng của những cuộc chiến tranh nối tiếp giành độc lập và thống nhất đất nước. Trái với nhiều tuyên bố mang tính định hướng đầy thủ đoạn của Trung Quốc khi diễn giải nền tảng hợp tác Việt Trung: Sự hợp tác kinh tế luôn xếp trên mọi yếu tố khác. Ngược lại, yếu tố mang tính sinh tồn sống còn đối với thể chế chính trị Việt Nam, trên hết và bao trùm vẫn luôn là sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Nhất là trong bối cảnh, Việt Nam có những cơ hội lựa chọn hợp tác kinh tế trong một thế giới không phải chỉ có mình Trung Quốc.
Là một quốc gia kém phát triển nhất trong 12 nước đang tham gia đàm phán TPP, nhưng Việt Nam được dự báo là nước sẽ gặt hái nhiều lợi ích kinh tế nhất. Với các ràng buộc về xuất xứ hàng hóa tiêu thụ nội khối phải bắt nguồn từ các thành viên TPP, đây là một cách được Mỹ và đồng minh thiết lập nhằm làm suy yếu dần dòng thương mại từ Trung Quốc vào các quốc gia này, tiến tới triệt tiêu dần lợi thế kinh tế của Trung Quốc, khiến quốc gia này đối mặt với khó khăn và rồi sẽ phải chấp nhận một trật tự thế giới trong hòa bình. Đây là một cơ may lớn đối với Việt Nam khi có triển vọng nhận được làn sóng đầu tư to lớn và khuếch trương dòng thương mại xuất khẩu vào các khoảng trống thị trường mà Trung Quốc sẽ buộc phải để mất khi TPP thành công. Còn quá sớm để nói về tác động thực tiễn, nhưng nhiều nhà kinh tế học đã ước tính về một mức tăng trưởng mới của Việt Nam thậm chí lên đến 30%, một con số thật không thể tin được (Bờ Phone), thật tuyệt vời và đang có cơ hội trở thành thực tiễn.
Với vai trò là người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam, trước một cơ hội có tính lịch sử, rõ ràng ông Nguyễn Phú Trọng đang có cơ hội ghi dấu ấn vào lịch sử. Ở một bức tranh khác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người mới kết thúc chuyến thăm Nhật Bản ít ngày trước với sự thành công thực tế còn lớn hơn chuyến đi Mỹ của ông Trọng, khi nhận được khoản cam kết tài trợ 3,1 tỷ USD từ Nhật bản, và đặc biệt hai bên ra tuyên bố chung về cơ bản đã kết thúc đàm phán TPP Việt Nhật. Nếu ở một thời điểm khác, thành tích của ông Dũng sẽ gây chú ý lớn đối với các nhà quan sát Việt Nam cũng như quốc tế, nhưng tính hấp dẫn của chuyến thăm viếng lịch sử của ông Nguyễn Phú Trọng đã khiến vầng hào quang đó lu mờ. Tuy nhiên ông Dũng chẳng có lý do gì để buồn phiền khi gần như chắc chắn ông ta sẽ là người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam sau năm 2016, với sự tập trung quyền lực cao độ và một hứa hẹn về một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam do sự vận động của dòng chảy quyền lực Á Châu đang mang lại. Điều đó khiến mâu thuẫn phe nhóm và quyền lực trong nội bộ Việt Nam được làm dịu đi đáng kể khi cả hệ thống gần như đều đang chịu tác động của cùng một xu thế và có cùng một tầm nhìn.
Trong một vài thiên Lãng luận khi bàn tới những quyết sách lớn của Trung Quốc, anh Lãng từng nhắc tới những sai lầm có tính chiến lược của giới cầm quyền nước này, khi lựa chọn cách khuếch chương quyền lực cứng bằng các yêu sách lãnh thổ, thay vì quyền lực mềm qua các hiệp ước kinh tế và liên kết thị trường. Hầu hết các nỗ lực của Trung Quốc, khi khởi động dự án ngân hàng phát triển châu Á hay vành đai kinh tế con đường tơ lụa xuyên á âu đầy tham vọng đều bị triệt tiêu vì những chính sách xâm lăng mới của quốc gia này. Trung Quốc chớp được thời cơ khi các trung tâm quyền lực lớn trên thế giới phạm nhiều sai lầm và suy yếu, và đến lượt nó cũng gặp phải sai lầm. Cơ hội ngày hôm nay của Việt Nam, được tạo ra từng chính sách của Trung Quốc. Thành công hay thất bại thì còn phải nhìn vào thực tiễn cách mà hệ thống chính trị Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam chớp lấy cơ hội ấy như thế nào.
Sẽ là thiếu toàn vẹn khi nhắc tới tình hình nội tại gần đây của Trung Quốc. Sau một thời gian dài tăng trưởng, nền kinh tế nước này đã hạ nhiệt và xuất hiện nhiều dấu ấn khó khăn. Các ung nhọt vốn đã âm ỉ từ lâu trong các thị trường bất động sản và chứng khoán của nước này hầu như chỉ chờ cơ hội bùng phát. Nếu Mỹ thành công với TPP, tạo ra một sân chơi mới ngăn chặn sự tham gia của Trung Quốc, quốc gia có cái máu bành trướng thâm căn cố đế ấy sẽ gặp phải khó khăn gấp đôi khi hoàn cảnh ngày một kém thuận lợi hơn. Sự hoang dã vô luật pháp của xã hội Trung Quốc rồi sẽ khiến đất nước này tổn hại nặng nề và lâm vào hỗn loạn khi các ung nhọt của nền kinh tế bùng phát và đổ vỡ niềm tin. Đây là một câu chuyện mới, khởi đầu cho một thiên Lãng luận thú vị mà chắc chắn anh Lãng sẽ có cơ hội bàn đến trong tương lai phía trước.

Cuối cùng, thì chính chúng ta sẽ ở đâu trong sự vận động mới của dòng chảy quyền lực Á Châu? Các bạn sẽ đứng bên lề, trầm trồ quan sát hay cố gắng trở thành một bộ phận của dòng chảy ấy và chớp lấy các cơ hội từ đó? Trong nhiều tháng qua, anh Lãng có nhiều cuộc gặp với các đối tác và bạn bè, những người đang cố gắng đón đầu một cơ hội mới trong bối cảnh thị trường đầu tư chưa bao giờ thuận lợi hơn (về vốn, về lãi suất...) trong 15 năm qua ở Việt Nam. Đó sẽ chính là những người đi tiên phong để gặt hái thành quả. Mặt khác, cơ hội của sự phát triển là chia đều cho tất cả chúng ta, miễn là các bạn phải đón nhận nó với một tinh thần chủ động. Đó sẽ là những cơ hội việc làm mới, được tạo ra từ kết quả của sự tăng trưởng và cả một trào lưu mới về tư duy thay thế cho nền văn hóa hỗn độn, dị hợm và chán chường. Điều đặc biệt là gần đây, anh Lãng ghi nhận thấy sự tồn tại của một trang báo online duy nhất không mang xu thế lá cải, và nhiều lúc có nhiều thứ đáng xem là trang giaoduc.net.vn. Còn quá sớm và quá ít ỏi để nói về một trào lưu tư tưởng mới, nhưng mọi thứ đều phải có điểm khởi đầu.
cóp từ nhà của  : Lãng đầu bò
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét